Luật sư tư vấn
Theo Luật Viên chức năm 2010, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 điều 7 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định: Đơn vị sự nghiệp công xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ quy định trên, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ và phải ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động, theo điều 15 Bộ luật Lao động 2012.
Như vậy, người được đơn vị sự nghiệp công lập tuyển dụng vào làm viên chức và người được đơn vị sự nghiệp công lập thuê vào làm hợp đồng đều phải ký kết hợp đồng lao động. Quyền lợi của viên chức và người được thuê vào làm hợp đồng có khác nhau hay không phải căn cứ nội dung thỏa thuận trong hợp đồng.
Về mức hưởng lương hưu, cả hai đối tượng đều áp dụng theo Luật bảo hiểm xã hội và theo nguyên tắc đóng - hưởng. Nguyên tắc này được hiểu, mức hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, ốm đau, thai sản, trợ cấp...) được tính trên cơ sở mức đóng bảo hiểm xã hội.
Chính vì vậy nội dung thỏa thuận khi ký kết hợp đồng lao động về mức hưởng lương và mức lương đóng bảo hiểm xã hội mà như nhau thì mức lương hưu sẽ như nhau.
Nếu mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội khác nhau thì đương nhiên, mức lương hưu sẽ khác nhau cho dù hai người cùng làm việc tại một cơ quan, tổ chức, với mức thời gian làm việc và và vị trí như nhau.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội