Romang (tên Việt: Điều ba mẹ không kể) ra mắt ở Việt Nam từ ngày 26/7. Tác phẩm thành hiện tượng phòng vé trong nước tuần qua, chỉ đứng sau bom tấn The Lion King. Do phản hồi tốt của khán giả, phim được tăng số suất chiếu gấp đôi sau ngày đầu và hiện thu bảy tỷ đồng. Trên mạng xã hội, nhiều độc giả nói khóc vì cảm động do tình cảm gia đình, cuộc sống của người già trong phim.
Đạo diễn Lee Chang-geun chọn cách khai triển câu chuyện chậm rãi. Ở phần đầu, anh dành nhiều thời gian mô tả cuộc sống gia đình Jo với loạt cảnh về vai trò, tính cách từng người. Khi khán giả quen nhịp sinh hoạt này, đạo diễn phá vỡ nó bằng cách giới thiệu căn bệnh. Tác phẩm vẫn giữ nhịp điệu chậm về sau, ở nhiều đoạn mang phong cách slice of life (lát cắt cuộc sống), tập trung vào các mẩu chuyện đời thường hơn tiến triển chặt chẽ đường dây kịch bản.
Tâm điểm của tác phẩm là quan hệ của nhân vật khi chống chọi bệnh tật, tuổi già.
Jo Nam-bong (Lee Soon-jae đóng) là tài xế taxi 75 tuổi ở ngoại ô Hàn Quốc, sống cùng vợ tên Lee Mae-ja (Jung Young-sook), con trai, con dâu và cháu. Jo hay cáu gắt khi thấy vợ dần hậu đậu, đãng trí. Tuy nhiên, ông phát hiện bà bị chứng sa sút trí tuệ. Khi tình hình Lee ngày càng xấu, gia đình cho bà đến nhà dưỡng lão. Nhưng Jo lại mủi lòng và đưa vợ về nhà chăm sóc. Sau đó, chính ông cũng mắc chứng mất trí nhớ. Khi con trai và con dâu không còn chung sống, đôi vợ chồng già nương tựa nhau trong chặng cuối cuộc đời.
Căn bệnh mất trí nhớ khiến Jo và Lee phải sống biệt lập, xa con cái nhưng lại giúp họ gần gũi hơn. Phim đan xen những cảnh bi kịch và hạnh phúc của hai vợ chồng. Nỗi buồn từ quá khứ được khơi lại, cảm giác cơ thể không còn tuân theo ý mình khiến họ đau khổ. Tuy nhiên, cử chỉ, sự quan tâm họ dành cho nhau lại mang đến những khoảnh khắc ấm áp. Những cảnh đôi vợ chồng hồi phục tâm trí được biên kịch khéo sử dụng để thúc đẩy cảm xúc nhân vật theo hai hướng khác nhau. Chúng khiến họ nhớ lại tình cảm dành cho nhau nhưng cũng làm họ dằn vặt vì gây hại cho con cái, hoặc nhận ra tình trạng bệnh tiến triển của mình.
Dù có một số cảnh hài, Romang về tổng thể hướng đến việc lấy nước mắt, nhất là ở nửa sau. Lúc này, hai vợ chồng nhận ra mình là gánh nặng và có những lựa chọn dễ khiến khán giả xúc động. Từ đầu phim, người con trai được khắc họa khá mờ nhạt, ít quan tâm đến bố mẹ. Nhưng trong cảnh quan trọng, biến đổi đột ngột của anh - tương phản với sự vô tâm trước đó - lại góp phần đẩy cảm xúc lên cao trào.
Ngoài chủ đề về tình cảm gia đình, tình yêu, tác phẩm còn để lại thông điệp về ảnh hưởng của bệnh sa sút trí tuệ, khiến con người dần cảm thấy chính "cái tôi" của mình đang tan rã. Những trải nghiệm giúp định nghĩa con người nhưng sẽ ra sao nếu họ dần quên đi hoặc không còn nhớ chính xác chúng? Đây là đề tài không mới với điện ảnh thế giới nhưng được khắc họa chân thật trong Romang, thông qua diễn xuất của Lee Soon-jae và Jung Young-sook.
Ở tuổi 83, diễn viên Lee Soon-jae thể hiện kinh nghiệm diễn xuất qua nét mặt, cách lên xuống giọng nói khi hóa thân người đàn ông có nhiều tâm sự. Trong hai nhân vật, người chồng trải qua nhiều tâm trạng hơn - thấy vợ bị bệnh trước khi biết hoàn cảnh của chính mình. Ban đầu, ông gây ác cảm với tính gia trưởng. Tuy nhiên, khi câu chuyện tiến triển, nhân vật ngày càng tạo thiện cảm với sự quan tâm dành cho vợ lẫn nỗi đau cá nhân. Còn Jung Young-sook đóng tròn trịa ánh mắt ngơ ngác, vẻ lẩn thẩn của người vợ đãng trí. Đôi diễn viên ăn ý ở những cảnh vợ chồng chăm sóc nhau, tận dụng khoảnh khắc tỉnh táo để lo cho người còn lại.
Dù có câu chuyện giàu ý nghĩa, Romang chưa mạnh về mặt điện ảnh. Ở nhiều chỗ, cách quay, dàn cảnh và dựng phim của tác phẩm khá giống các phim truyền hình Hàn Quốc. Tuyến phụ ít nhân vật tạo được ấn tượng về diễn xuất cũng như cá tính khiến câu chuyện xung quanh đôi vợ chồng còn đơn điệu.