Hôm 5/3, The Cut đưa tin Diet Prada cùng luật sư Susan Scafidi - người sáng lập Học viện Luật thời trang - đệ đơn lên tòa án, chống lại đơn kiện của nhà mốt Dolce & Gabbana từ đầu năm 2019.
Theo đơn khiếu nại của nhà mốt Italy gửi tòa án dân sự ở Milan, hãng kiện những người sáng lập Diet Prada vì họ đã khởi xướng một "chiến dịch bôi nhọ" bao gồm "hành vi phỉ báng nghiêm trọng và lặp đi lặp lại", gây tổn hại cho Dolce & Gabbana sau khi hãng tung đoạn quảng cáo có hình ảnh một người mẫu châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy hồi tháng 11/2018. Hành vi của Diet Prada khiến nhà thiết kế Stefano Gabbana bị thiệt hại một triệu euro, hãng mốt thiệt hại ba triệu euro vì bị Trung Quốc cấm mọi show diễn từ đó tới nay, người dân nước này tẩy chay, khiến những người nổi tiếng như Kim Kardashian, Cardi B xa lánh thương hiệu.
Đáp lại đơn kiện của Dolce & Gabbana, Schuyler - đại diện Diet Prada - cho rằng họ có quyền tự do ngôn luận và phát hiện, đăng tải thông tin về những hành vi sai trái. Trong một thông báo gửi cho The Cut, cô viết: "Là một phụ nữ, tôi tin rằng điều quan trọng là các phương tiện truyền thông phải lên tiếng chống lại những hành vi sai trái cũng như phân biệt chủng tộc và không được im lặng trước những lời đe dọa pháp lý. Làm mất uy tín và tố cáo báo chí, đe dọa các nhà phê bình hòng bịt miệng họ sẽ làm nảy sinh chủ nghĩa cực đoan. Các nhân vật và thương hiệu của công chúng nên phản ứng lại những chỉ trích của dư luận và giới truyền thông bằng hành động tiến bộ, chứ không phải kiện tụng".
Diet Prada là một nhóm giám sát thời trang hoạt động trên Instagram do chuyên gia trong ngành Tony Liu và Lindsey Schuyler thành lập năm 2014. Hiện Học viện Luật thời trang đã hợp tác với công ty luật AMSL Avvocati của Italy để giải quyết sự việc. Diet Prada cũng thành lập quỹ GoFundMe để huy động 26.000 USD cho các khoản phí pháp lý.
Scandal của Dolce & Gabbana nổ ra vào tháng 11/2018, khi họ đăng video quảng cáo show diễn mới, trong đó một người mẫu châu Á sử dụng đũa để ăn món Italy. Dù đoạn phim không có từ ngữ xúc phạm văn hóa Trung Quốc, nhiều người dân nước này cho rằng qua biểu cảm của người mẫu, video đã chế giễu, châm biếm và coi thường văn hóa của họ. Sự phẫn nộ của người dân được đẩy lên cao khi nhà thiết kế Stefano Gabbana trả lời một khán giả về video trên Instagram: "Không có các người chúng tôi vẫn sống tốt" kèm biểu tượng phân.
Lúc này, Diet Prada chỉ trích chiến dịch quảng cáo của Dolce & Gabbana, cho rằng nhà mốt phân biệt giới tính, chủng tộc, đồng thời đăng tải lại những nhận xét chống người châu Á lấy từ Instagram của Gabbana. Sự việc khiến thương hiệu phải hủy bỏ một buổi trình diễn thời trang trị giá hàng triệu USA đã được lên kế hoạch ở Thượng Hải. Bộ đôi nhà thiết kế đã phải xin lỗi, rằng họ yêu văn hóa của người Trung Quốc, thừa nhận mắc sai lầm trong việc thể hiện, nhưng không được người dân chấp nhận. Họ đốt cháy, ném đồ của Dolce & Gabbana vào thùng rác, hô hào tẩy chay nhà mốt ở khắp nơi.
Họa Mi (theo The Cut)