Phạm Xuân Ẩn (phải) gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Những ngày ở đây, Phạm Xuân Ẩn được phong tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, được chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
"Tôi đã cố gắng"
Tháng 8/1978, Phạm Xuân Ẩn rời gia đình để đi dự một khóa học của Học viện Chính trị cao cấp ở Hải Dương. Ông học tại đó cho đến tháng 6/1979.
Phạm Xuân Ẩn nói với tôi: "Tôi cần phải đến đó vì tôi chẳng biết gì về chủ nghĩa Mác - Lênin và duy vật biện chứng. Tôi đã có một cuộc sống khác trong suốt thời gian tôi thi hành nhiệm vụ bí mật của mình. Cuộc sống đó giờ đây đã chấm dứt. Tôi hiểu nhiều về hệ thống Mỹ hơn là hệ thống này, do vậy tôi cần phải đọc tất cả những sách kinh điển về lối tư duy kinh tế Nga". Phạm Xuân Ẩn nói mà không nở một nụ cười nào, mất hẳn cái cách châm biếm thường thấy của ông: "Đây là năm mà lối tư duy của tôi được chờ đợi là sẽ thay đổi. Tôi đã cố gắng để là một học viên tốt, nhưng do tôi biết quá nhiều nên thay đổi rất khó khăn".
Phạm Xuân Ẩn không phản đối việc đi học chính trị một năm. Trong năm đó, ông được gặp nhiều người thú vị, họ luôn tò mò muốn biết về những trải nghiệm của ông và Phạm Xuân Ẩn luôn thích thú chia sẻ những câu chuyện với nhiều học viên trong lớp của mình. Phạm Xuân Ẩn nói: "Nhiều người ở chế độ mới coi tôi là quá Mỹ và tư sản, vì vậy tôi được chờ đợi phải nói như những người mácxít sau một vài tháng nghe giảng và thảo luận. Tôi có rất nhiều điều để học và cố gắng điều chỉnh mọi thứ, từ cách nghĩ, cách hành động, và thậm chí cả cách nói đùa. Tôi hiểu mọi người muốn gì nên tôi đã cố gắng".
Sau khi kết thúc khóa học, Phạm Xuân Ẩn trở về thành phố Hồ Chí Minh. Chính quyền mời Phạm Xuân Ẩn vào làm việc tại một cơ quan kiểm duyệt nhưng ông từ chối. Sau đó ông được đề nghị đào tạo các nhà báo, nhưng ông nghĩ về mặt thực tiễn đó là điều không thể, ông có thể dạy được gì cho các nhà báo Việt Nam về nghề của ông... Phạm Xuân Ẩn nói: "Tôi được sinh ra ở Việt Nam, tôi là người Việt Nam, nhưng tôi học được sự văn minh ở nước Mỹ. Đây là điều rắc rối của tôi".
Phạm Xuân Ẩn không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm công việc mà như ông mô tả là "một ông chồng nội trợ". Ông thường hài hước nói về mình là một "triệu phú thời gian". Suốt ngày ông đọc sách, nghe đài BBC và làm những việc lặt vặt cho vợ. Ông trở nên nổi tiếng là người huấn luyện gà chọi giỏi nhất Sài Gòn.
Bạn cũ và những tin đồn vu vơ
Và mặc dù đã qua một khóa học, Phạm Xuân Ẩn vẫn khó khăn trong quá trình hòa nhập với chế độ mới cũng như vẫn còn những vấn đề về độ tin cậy. Việc Phạm Xuân Ẩn không được tiếp xúc với những đồng nghiệp cũ đã làm dấy lên những tin đồn vu vơ giữa họ về vị trí của ông trong chế độ mới.
David De Voss, cựu Trưởng phân xã tạp chí Time phụ trách khu vực Đông Nam Á, đã trở lại thành phố Hồ Chí Minh năm 1981. Sau chuyến đi này, David De Voss viết cho đồng nghiệp Karsten Prager: "Tôi đã cố tìm gặp ông ta trong thời gian 5 ngày tôi ở Sài Gòn, nhưng ông ấy từ chối. Không cuộc tiếp xúc nào được phép đối với những người biết nhau trước giải phóng".
De Voss sau này còn nói một điều khiến mọi người rất ngạc nhiên là năm 1981, Phạm Xuân Ẩn đã đề nghị De Voss giúp bí mật đưa gia đình ông ra khỏi Việt Nam. De Voss kể: "Mục đích của tôi là đi tìm Phạm Xuân Ẩn, nhưng đó là việc không dễ. Phạm Xuân Ẩn dặn tôi không nói hoặc làm bất cứ điều gì khi chúng tôi nhìn thấy nhau, bởi vì an ninh có thể đang theo dõi. Rõ ràng ngay cả ông, người được phong danh hiệu anh hùng đang phụ trách về tình báo đối ngoại cho chính phủ, cũng không tránh khỏi việc bị theo dõi.
Chợ chim, trên thực tế là một đoạn đường phố hai bên treo đầy những lồng bằng tre nhốt những con chim đang hót véo von. Phạm Xuân Ẩn đến chợ chim cùng với con chó Đức của ông. Chúng tôi đi ngang qua nhau rồi khẽ gật đầu. Sau đó, Phạm Xuân Ẩn và tôi mỗi người lên một chiếc xích lô. Tôi theo Phạm Xuân Ẩn về nhà ông. Khi hai người đã vào trong, Phạm Xuân Ẩn kể rằng trước đây ông đã từng hai lần cố gắng đưa gia đình ra nước ngoài, nhưng không thành công. Lần thứ nhất thuyền bị hỏng máy. Lần thứ hai thuyền có vẻ đủ sức vượt biển, nhưng thuyền trưởng lại không ra...".
Năm 1986, ngọn gió đổi mới thổi tới khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI Đảng Cộng sản Việt Nam phát động công cuộc đổi mới. Năm 1988, Bob Shaplen (phóng viên lâu năm của tờ New Yorker) đến thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị gặp Phạm Xuân Ẩn. Lần đầu tiên, cơ quan an ninh cho phép gặp với điều kiện có một thành viên của Bộ Ngoại giao cùng dự. Khi cuộc gặp của họ sắp kết thúc, Phạm Xuân Ẩn xin phép người bạn của ông làm việc tại Bộ Ngoại giao rằng liệu ông và Shaplen có thể đi ăn tối riêng với nhau được không và được đồng ý.
Phạm Xuân Ẩn nhớ lại: "Chúng tôi tới ăn tối tại khách sạn Majestic. Đó là lần đầu tiên tôi được phép nói chuyện một mình với một người bạn cũ kể từ khi chiến tranh kết thúc".
Chỉ trong vòng vài tháng sau đó, các đồng nghiệp cũ của Phạm Xuân Ẩn là Neil Sheehan, Stanley Karnow, Robert Sam Anson và Morley Safer đã đến thành phố Hồ Chí Minh thăm ông. Chính trong bối cảnh này một câu chuyện đáng lưu ý được giãi bày liên quan đến những mối quan hệ tình bạn giữa những đồng nghiệp cũ, giấc mơ của người cha đối với con trai lớn, và sự hòa hợp giữa hai đất nước mà Phạm Xuân Ẩn đều yêu quí.
(theo Tuổi Trẻ)