Nữ diễn viên Deng Sha, 38 tuổi, gây ra làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi đăng tải đoạn clip cho con trai 11 tuổi, biệt danh Big Linzi, dùng thuốc tăng chiều cao khi ăn. Nữ diễn viên nổi tiếng với các vai diễn trong phim truyền hình cổ trang và có 7 triệu người theo dõi trên Weibo.
Trong video chia sẻ, cô ghi lại hình ảnh bản thân chuẩn bị bữa tối cho con trai, đồng thời rắc một loại "bột tăng chiều cao" vào thức ăn. Cô giải thích Big Linzi có chiều cao khiêm tốn nhất lớp, chỉ vỏn vẹn 1,46 m so với mức trung bình từ 1,6 m đến 1,7 m của các bạn cùng lứa. Video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, đạt hơn 100 triệu lượt xem.
Hiện chưa có dữ liệu chứng minh hiệu quả của loại thuốc này. Deng Sha cũng không tiết lộ cụ thể thương hiệu và thành phần thuốc. Tại Trung Quốc, một số loại thực phẩm chức năng cho trẻ em được quảng cáo là "tăng chiều cao" thực tế chỉ chứa vitamin D và axit amin L-lysine, tuy nhiên chúng có giá từ 200 đến 400 nhân dân tệ (700.000-1,3 triệu đồng) mỗi lọ.
Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc chưa phê duyệt bất kỳ loại thuốc hoặc thiết bị nào giúp tăng chiều cao. Tất cả sản phẩm tuyên bố tác dụng như vậy đều được quy vào quảng cáo sai sự thật. Việc sử dụng chúng bừa bãi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em.
Thực tế, tìm cách tăng chiều cao là câu chuyện muôn thuở ở Trung Quốc. Để con mình cao lớn, các bậc cha mẹ thường sẵn sàng thử nhiều phương pháp khác nhau. Tờ Sina đưa tin, một phụ huynh đã cho con 15 tuổi uống hormore tăng trưởng trong 2,5 năm, tốn 600.000 tệ (2 tỷ đồng). Đối với phụ huynh khá giả, việc bỏ ra ngần ấy tiền là đáng giá bởi nếu để lỡ mất thời điểm vàng, có tiền cũng không làm được gì. Đáng ngạc nhiên, có trẻ 13 tuổi cao 1,72 mét vẫn được bố mẹ đưa đến viện tư vấn và muốn tiêm hormone tăng trưởng.
Liều tiêm ức chế dậy thì và hormore tăng trưởng đã trở thành "cỗ máy in tiền" của các công ty dược phẩm. Đơn cử, báo cáo tài chính thường niên năm 2021 của công ty dược phẩm Changchun High-tech, cho thấy họ đạt 10.747 tỷ nhân dân tệ, tăng hơn 25 % so với cùng kỳ năm trược và lợi nhuận ròng tăng hơn 23%. Trong số đó, các sản phẩm hormone tăng trưởng đóng góp tới 98%. Mặc dù việc kinh doanh vaccine của hãng này thất bại, mức tăng từ các sản phẩm hormone là đáng kinh ngạc.
Chuyên gia về tăng trưởng và phát triển trẻ em, Wang Chunlin, Trưởng Khoa Nhi, tại Bệnh viện Đại học Chiết Giang, khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc tiêm ức chế dậy thì và hormone tăng trưởng. "Trẻ dậy thì sớm có thể cần phải được tiêm thuốc ức chế, song phải dựa vào tình hình và mức độ điều trị. Không phải tất cả trẻ dậy thì sớm đều cần tiêm", ông nói
Các bác sĩ khuyên để giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu, phụ huynh nên tập trung vào chế độ ăn uống cân bằng. Cắt giảm lượng đường, đồ ăn "fastfood", tăng cường rau xanh, đạm, sữa, ngũ cốc và các thực phẩm giàu canxi và vitamin D. Ngủ đủ theo thời gian khuyến nghị, tập thể dục thường xuyên và đều đặn, rèn tư thế hoặc cải thiện tư thế xấu (khom lưng, gù lưng, cổ rùa...). Không tạo căng thẳng mãn tính kéo dài lên trẻ, điều trị các bệnh lý mãn tính về đường tiêu hóa, tim, thận, phổi (nếu có)...
Yếu tố vận động chiếm 25%, trẻ được tập thể lực thường xuyên, ít nhất mỗi ngày 30-40 phút mới giúp kích thích phát triển chiều cao. Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chưa vận động nhiều, phụ huynh nên chủ động massage cho con, tập các bài vận động nhẹ nhàng, thúc đẩy phát triển vận động theo độ tuổi. Với trẻ lớn, duy trì các bài tập kéo giãn 15 phút mỗi ngày có thể kích thích đĩa tăng trưởng (sụn tăng trưởng dài ra trước khi cốt hóa), khuyến khích yoga ở trẻ.
Trẻ ngủ đủ, đúng giờ cũng kích thích hormone tăng trưởng sản xuất hợp lý. Nên ngủ từ khoảng 21h-21h30 bởi việc ngủ ngon và đạt được giấc ngủ sâu từ 23h đến 3h giúp kích thích cho hormon tăng trưởng tiết ra, từ đó phát triển chiều cao tối ưu.
Thục Linh (Theo Weibo, Sina, SCMP)