Bộ phim Nổi gió do đạo diễn Huy Thành chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm được sản xuất năm 1966, xoay quanh diễn tiến cuộc đời hai chị em ruột ở hai đầu chiến tuyến. Người chị tên Vân theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người em trai tên Phương - một trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh khổ đau, mất mát của chiến tranh, Phương trở về đứng chung chiến tuyến với chị, đấu tranh cho độc lập, hòa bình.
Bộ phim là một trong số cột mốc đánh dấu sự thành danh của thế hệ diễn viên khóa đầu tiên trường Nghệ thuật Sân khấu như Thế Anh, Thụy Vân, Lâm Tới, Thanh Loan...
Vai Vân ghi dấu lần chạm ngõ điện ảnh đầu tiên của diễn viên Thụy Vân. Vẻ đẹp nền nã cùng đức tính bất khuất, kiên trung của người phụ nữ Nam bộ qua diễn xuất của Thụy Vân khiến người xem rung động. Sau này dù làm diễn viên, đạo diễn nhiều bộ phim nổi tiếng, nghệ sĩ vẫn thừa nhận bà chưa vượt qua được cái bóng của vai diễn thuở ban đầu.
Trong phim, Thụy Vân đóng hàng loạt cảnh bị địch đánh đập, tra tấn. Đỉnh điểm là khi nhân vật bị quấn băng gạc tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Trước ngọn lửa cháy rực trên hai bàn tay, ánh mắt cương nghị, gương mặt không chút biến sắc của Vân khiến quân thù sợ hãi. Phân đoạn này gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả nhiều thế hệ, trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường, tinh thần hy sinh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
* Trích đoạn Vân bị đốt 10 đầu ngón tay trong phim Nổi gió
|
Đến giờ, NSƯT Thụy Vân vẫn "rùng mình" về sự liều lĩnh của bản thân khi nhớ lại cảnh quay này. Bà kể khi ấy được quấn một lớp gạc vào 10 đầu ngón tay rồi chồng lên một lớp thạch cao, ngoài cùng là lớp bông tẩm dầu hỏa. Cảnh quay này không được tập dượt mà là "quay một đúp ăn liền" như chỉ đạo của đoàn phim.
"Tôi vẫn không hiểu sao hồi đó mình hăng hái đến thế khi chưa hề được tập dượt. Đoàn phim cử một người ôm thùng nước to đứng cạnh tôi, khi đạo diễn hô cắt, tôi lập tức nhúng tay vào đó. Giờ nói diễn lại chắc tôi không làm được", Thụy Vân nhớ lại.
Một cảnh quay khác gây ấn tượng trong phim là cảnh Vân chèo đò trên sông giữa giông bão, sấm chớp. Cả đoàn phim phải chờ hơn một tháng mới quay được cảnh này. Mưa có thể tạo bằng vòi rồng nhưng giông gió, sấm chớp thì không thể tác động bằng máy móc nên đoàn chờ có mưa giông thật để quay. "Thuyền chòng chành giữa gió to, sấm sét đì đoàng trên đầu, còn tôi thì lạnh buốt vẫn phải diễn vẻ mặt hân hoan, vững tay chèo lái đúng như tinh thần chủ đạo của phim", nghệ sĩ kể.
Sinh năm 1940 tại Ninh Bình, NSƯT Thụy Vân là sinh viên điện ảnh khóa đầu tiên cùng Trà Giang, Lâm Tới, Trần Phương... Ngoài Nổi gió, bà tham gia các phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Sao tháng Tám, Rừng xà nu, Hai bà mẹ, Đứa con nuôi và làm đạo diễn phim Cơn lốc đen. Bộ phim do Thụy Vân đạo diễn từng giành giải đặc biệt của giám khảo trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tám (1988).
Những năm 1960 điều kiện làm phim khó khăn, Thụy Vân và các diễn viên cùng thời vẫn hết lòng với công việc, vào nghề bằng tất cả đam mê.
Nghệ sĩ kể thời của bà, trước khi bấm máy, diễn viên mất vài tháng để thâm nhập thực tế. Đóng vai nông dân thì phải ăn, ngủ, làm cùng nông dân để hiểu được suy nghĩ, tác phong, ngôn ngữ, cử chỉ của họ. Đóng Nổi gió, bà phải về nông trường Quý Cao thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng sống cùng những người miền Nam tập kết ra Bắc để học lối ăn ở đặc biệt là học cách chèo thuyền.
Nữ diễn viên cũng tự học đi chân đất trên cầu khỉ. Theo nghệ sĩ, bình thường đi một mình đã khó, trong phim bà còn bế một đứa trẻ trên tay vậy mà vẫn bình thản đi qua.
Nghệ sĩ cũng nhớ lại thời đó, bà được hưởng "chế độ 72" - chế độ tem phiếu cao nhất trong đoàn dành cho diễn viên chính. "Tôi được hơn 10 kg gạo và 0,25 kg thịt một tháng. Chúng tôi chủ yếu ăn rau muống và nói vui với nhau là 'hôm nào cũng chạy qua hàng thịt'", bà hồi tưởng.
Ngoài chuyện ăn uống, điều kiện sinh hoạt của các đoàn phim thời trước cũng rất khó khăn. Khi quay ở nông trường, diễn viên đều tắm rửa, giặt giũ bằng nước ao. "Tôi là con gái Hà Nội chỉ quen dùng nước máy. Khi xa nhà đóng phim, tôi luôn tâm niệm mọi người ở đó sống được ắt mình cũng làm được", nghệ sĩ chia sẻ.
Mọi nỗ lực của Thụy Vân cũng như đoàn phim Nổi gió được đền đáp. Phim gây hiệu ứng lớn với khán giả khi ra mắt. Đạo diễn Huy Thành nhớ lại phim được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen hào hùng, xúc động. Còn diễn viên Thụy Vân vinh dự được gặp Hồ Chủ tịch, ngồi cạnh và trò chuyện về bộ phim. Năm 1970, trong liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất, Nổi gió được trao Bông Sen Bạc hạng mục phim truyện nhựa.
Chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc với khán giả yêu thích bộ phim, bà kể: "Hồi đó nhà tôi ở phố Châu Long, Hà Nội. Một hôm có người thanh niên đến hỏi mẹ tôi: 'Bác ơi, đây có phải là nhà chị Thụy Vân không?'. Thấy tôi, anh giới thiệu tên Việt, ở miền Nam ra. Anh phải đi bộ ròng rã sáu tháng mới ra tới chỉ vì một lời nhắn nhủ của các bà má miền Nam: 'Con ra ngoài đó, nhớ tìm con Vân và nói với nó là các má nhận nó là người con của Bến Tre. Má đợi ngày thống nhất, ra thủ đô được thăm Hồ Chủ tịch và đón nó vào làm con gái má'. Một thời gian sau tôi nghe kể trong một trận càn của địch, má đã anh dũng hy sinh. Tôi lặng người, nước mắt cứ tuôn trào".
Giờ ở tuổi 70, rời xa màn ảnh hơn 20 năm nhưng với Thụy Vân, ký ức tuổi trẻ đẹp đẽ nhất vẫn là những ngày gian khó đóng phim Nổi gió cùng NSND Thế Anh.
* Nghệ sĩ Thụy Vân kể về cảnh sum họp của hai chị em trong phim Nổi gió |
Châu Mỹ