- Vì sao mấy năm gần đây, ông không đóng phim nữa?
- Nhiều người nói tôi không đóng phim vì sức khỏe yếu. Thật ra không phải vậy. Tôi vẫn đủ sức khỏe, vẫn tự lái xe máy đi diễn mỗi khi có phim. Lâu rồi, tôi không nhận vai vì kịch bản bây giờ dở quá. Êkíp làm phim cũng kém chuyên nghiệp và kém nghiêm túc so với ngày trước. Phim Việt Nam giờ dùng nhiều chiêu trò để câu khách, tôi không dại gì "đu" theo những cái đó để tổn hại đến danh dự và tên tuổi mình.
Hơn nữa, đạo diễn bây giờ phần lớn là đạo diễn trẻ. Tôi gần 80 tuổi, phong cách làm việc không hợp với các bạn ấy. Tôi sợ tính khí của mình ảnh hưởng đến cả đoàn phim.
- Nhưng có ý kiến cho rằng, ông không nhận đóng phim do còn hoài niệm về một thời vang bóng của mình. Ông nghĩ sao?
- Không có gì cổ lỗ sĩ bằng thành tích của ngày hôm qua. Hãy quên nó đi và nghĩ đến tương lai. Tôi không thuộc típ người "ăn mày dĩ vãng". Điều quan trọng là anh phải biết điểm dừng. Khi lên đến đỉnh cao danh vọng, anh phải dừng lại, nếu cứ tiến tới chỉ gặp bi kịch. Tôi muốn khán giả vẫn nhớ tôi với những hình ảnh đẹp ngày trước. Phải có kịch bản nào đó thật độc đáo tôi mới quay lại với phim ảnh.
- Vì sao ông có cái nhìn khá bi quan về điện ảnh hiện nay?
- Đối với nghệ thuật, sáng tạo là số một. Nhưng điện ảnh của mình chỉ giỏi bắt chước. Điện ảnh Việt Nam hiện nay đẻ ra toàn con lai, lai Hong Kong, lai Mỹ, Hàn Quốc. Các đạo diễn bắt chước mỗi nơi một chút. Dù một số đạo diễn Việt kiều về nước làm phim rất khá, trong phim của họ không thấy tâm hồn và bản sắc Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam thiếu trầm trọng đạo diễn giỏi, biên kịch giỏi nên chất lượng phim tệ hơn nhiều so với ngày trước.
- Trăn trở như vậy tại sao ông không tự sản xuất những tác phẩm theo đúng kỳ vọng của mình?
- Làm đạo diễn rất vất vả. Diễn viên sức bỏ ra 10, đạo diễn phải 100. Bên cạnh sự vất vả, làm phim còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Tôi cầm 6 tỷ đồng làm phim, ít nhất tôi phải đem về cho nhà sản xuất số tiền nhiều hơn 6 tỷ đó. Phải có bản lĩnh mới chịu được những áp lực đó.
Lẽ ra giai đoạn ngoài 40 tuổi, tôi ngừng đóng phim, tập trung theo học một khóa đạo diễn thì giờ tôi đã có điều kiện để làm phim. Tôi không muốn làm đạo diễn như một anh thợ cả bắt chước. Tôi rất tôn trọng khán giả, không muốn đem hàng giả, kém chất lượng đến cho họ thưởng thức. Viên thuốc giả có thể khiến người ta chết ngay nhưng sản phẩm văn hóa giả mạo ngấm vào tâm hồn một cách từ từ. Nó khiến người ta chết dần chết mòn.
Tuy nhiên, nếu có đạo diễn giỏi, danh tiếng đề nghị tôi góp vốn làm phim, tôi sẵn sàng bán nhà, lấy tiền góp chung. Tôi không bon chen viết kịch bản hay làm đạo diễn. Cái thời của tôi đã qua lâu rồi.
- Thu nhập của ông đến từ đâu nếu không đi đóng phim?
- Tôi có một gia thế vững mạnh. Gia đình tôi không quá giàu, nhưng cũng không bần cùng như cố nông. Tôi không vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền nên có thời gian tập trung cho nghệ thuật.
Thành thực mà nói, ngay cả thời kỳ đỉnh cao, tôi cũng không sống nhờ thu nhập từ phim ảnh. Ngày đó, được phân công đóng phim là nhiệm vụ lớn lao. Lúc đó chúng tôi lấy làm vinh hạnh chứ lương diễn viên không đủ sống. Tôi có điều kiện chuyên tâm cho nghệ thuật là nhờ khoản tài chính được hỗ trợ từ người thân sống ở nước ngoài.
Hiện nay, tôi có lương hưu hàng tháng. Các con tôi trưởng thành từ lâu, chỉ còn hai vợ chồng sống với nhau. Nhu cầu ăn uống và các sinh hoạt khác không nhiều nên số tiền lương 4 triệu đồng vẫn đủ cho tôi chi dùng
- Thời gian rảnh rỗi, ông làm gì?
- Nhiều người hỏi tôi có buồn không, tôi không thấy buồn. Hàng ngày tôi tập thể dục, lên mạng đọc thông tin. Tôi dành phần lớn thời gian xem phim trên các kênh nước ngoài để cảm nhận kỹ thuật làm phim, diễn xuất của họ.
Thi thoảng nếu có lời mời, tôi vẫn tham gia đều đặn những sự kiện văn hóa, văn nghệ. Tôi vừa trở về từ đại hội sân khấu toàn quốc, mấy hôm nữa lại bay ra Hà Nội dự kỷ niệm 55 năm thành lập Hãng phim truyện Việt Nam.
- Ông nói gì về vai trò của người vợ đối với những thành công trong phim ảnh của mình?
- Giai đoạn tình yêu của vợ chồng tôi đã qua rồi, còn lại tình nghĩa. Xưa cô ấy là hoa khôi trường Trưng Vương, cũng lừng lẫy một thời. Đến khi lấy tôi, vợ tôi tình nguyện lui về chăm sóc gia đình, tạo điều kiện cho tôi theo đuổi những vai diễn. Sự thành công của tôi có một phần công lao của vợ. Cho đến giờ, tôi không đi diễn nữa, cô ấy vẫn ngày ngày lo chế độ ăn uống hợp lý cho chồng để tránh khỏi những căn bệnh tuổi già.
- Ông có dự định gì với nghệ thuật trong thời gian tới?
- Tôi đang tập hợp tư liệu và những bức ảnh để xuất bản một cuốn sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của mình mang tên "Diễn viên điện ảnh Thế Anh, những vai diễn đi cùng năm tháng".
Sau đó, tôi sẽ sửa sang lại nhà mình thành một phòng trưng bày nhỏ. Tôi muốn sắp xếp lại những bức ảnh và tư liệu về tôi một cách khoa học, mỹ thuật hơn.
Với phim ảnh, tôi vẫn chờ đợi một kịch bản hay. Nếu có và được mời, tôi sẵn sàng diễn hết mình mà không lấy cát-xê.
NSND Thế Anh tên thật là Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1938 tại Hà Nội. Ông thành công ở cả hai lĩnh vực điện ảnh và kịch nói. Thế Anh được biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực điện ảnh trong các bộ phim Nổi Gió, Mối tình đầu, Em bé Hà Nội, Đêm hội Long Trì, Tự thú trước bình minh, Ngày lễ thánh... Với những cống hiến của mình cho Điện ảnh Việt Nam, diễn viên Thế Anh được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT năm 1984 và NSND năm 2001. |
Châu Mỹ thực hiện