- Đã đóng nhiều vai phụ nữ khắc khổ, cam chịu, sao chị không tìm cho mình cơ hội mới với những vai diễn phù hợp khác?
- Tới nay tôi có hơn 100 vai diễn. Nhưng đến vai thứ 60 - 70 tôi đã mong muốn đóng khác đi so với dạng vai quen thuộc, mà rất khó. Lâu lâu mới có đạo diễn quen dám phá cách cho mình. Đối với hài, tôi không thể đóng hài lố mà chỉ vào những vai hài nhẹ nhàng. Thi thoảng tôi được đóng vai ác, nhưng ác đến đâu cuối cùng nhân vật của tôi cũng biết sám hối. Có lẽ các nhà sản xuất chọn phương án an toàn khi tin tưởng tôi trong những dạng vai hiền lành, khắc khổ.
- Sao chị không chủ động làm mới bản thân?
- Tôi cũng khá kén vai. Kịch bản nào mà với vai diễn đó tôi thấy không có gì để diễn, tôi sẽ không nhận. Diễn những dạng vai khắc khổ quen thuộc, tôi phải chú ý tạo hình ảnh khác bằng cách chọn êkíp hóa trang, phục trang, đầu tư sắm sửa cho phù hợp với vai diễn. Tiền đầu tư phục trang có khi lên tới chục triệu chỉ cho một vai.
Hơn nữa, cuộc sống không cho phép tôi có nhiều lựa chọn. Nghề diễn khiến tôi có cuộc sống thoải mái hơn so với thời kỳ đầu ly hôn. Nhưng nếu cứ chờ kịch bản hay, có khi cả năm tôi không có phim nào để quay, lấy đâu ra thu nhập để sống.
- Hiện tại thu nhập từ nghề diễn giúp chị sống ra sao?
- Tôi thấy nghề bây giờ nuôi sống nghệ sĩ được vì tiến độ làm phim được đẩy lên nhiều. Trước kia, quay nửa năm mới xong một bộ phim, số tiền nhận về không đủ trang trải những nhu cầu hàng ngày. Mấy năm gần đây, điện ảnh phát triển, phim nhiều, quá trình quay cũng nhanh, diễn viên có cơ hội chạy cùng lúc nhiều phim nên thu nhập được cải thiện hơn nhiều. Lo cho gia đình xong, tôi cũng để dành được chút đỉnh đầu tư cho vai diễn mới.
Đóng phim tốn nhiều nhất là chi phí đi lại và phục trang. Thuở còn nghèo khó, mới đi đóng phim trở lại, tôi đi thuê phục trang, mượn bạn bè hoặc tự may.
- Chị đã trải qua thời gian khó khăn sau ly hôn như thế nào?
- Sau khi ly hôn, tôi chỉ cầm được về nhà mẹ đẻ chiếc máy khâu và con lợn đất bên trong có 300 nghìn đồng. Tôi từng nghĩ sẽ đi bán dép. Tôi ra Chợ Lớn (quận 5, TP HCM) lấy hàng rồi chất lên xe đạp chở đi bán dạo. Hoặc tôi mượn tiền, sắm một chiếc xe cũ để chạy xe ôm. Hàng ngày tôi chở mấy bà, mấy cô đi chợ. Làm vậy chắc kiếm đủ tiền nuôi con. Sau đó, có người chỉ tôi làm công nhân ở lò kẹo gần nhà. Nhưng công việc đó đòi hỏi nhiều sức khỏe và sự dẻo dai. Tôi khóc ròng nhiều ngày liền mà chưa nghĩ ra cách kiếm tiền nuôi con.
Trong cơn tuyệt vọng, tôi gọi điện cho thầy Sâm Thương. Thầy giới thiệu tôi qua thầy Phạm Thùy Nhân. Từ đó, tôi nhận được công việc đi viết bài cho tạp chí. Lương phóng viên thời kỳ đó khoảng 800 nghìn đồng một tháng. Tôi còn nhận thêm việc giao báo, bán thẻ cào điện thoại, phụ thầy Nhân trong những chương trình tạp kỹ nhỏ ở Đầm Sen. Tổng thu nhập một tháng cũng gần hai triệu, đủ đóng tiền học cho con và tiền xăng xe, điện thoại.
Sau nhiều lần phụ thầy ở sân khấu Đầm Sen, tôi được đạo diễn để ý và mời đóng những vai quần chúng nhỏ. Trước khi lấy chồng, tôi đã đóng phim nhựa Hải Nguyệt nên nhập vai không quá khó. Cứ như vậy tôi dần trở lại với phim ảnh và có thu nhập chính từ đó. Mấy năm gần đây, đóng phim nhiều quá tôi mới nghỉ làm báo.
- Nguyên nhân nào khiến chị quyết định ly hôn dù trước đó, chị từng bỏ dở nghiệp diễn để lập gia đình?
- Tôi nghĩ đơn giản mình thoát ra khỏi cuộc hôn nhân này là may lắm rồi. Khi tôi đệ đơn ly hôn, gia đình chồng tìm mọi cách cản trở. Chồng tôi thách thức và đe dọa tính mạng cả nhà vợ. Khi không còn nhận được sự tôn trọng từ người khác thì tiền bạc lúc đó cũng vô nghĩa.
Tôi tiếc nuối lắm khi bỏ nghề diễn nhưng đã quyết định thì tôi toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Tôi từng nghĩ sẽ sinh ba đứa con, chăm chỉ làm ăn, hỗ trợ chồng phát triển sự nghiệp. Nhưng sau khi chồng đi lao động nước ngoài về, tôi mới thấy bao ước vọng, thành ý của tôi bị đáp trả một cách phũ phàng. Anh ấy thay đổi tâm tính, trở nên gia trưởng và độc đoán. Việc anh hay đánh vợ trước mặt con là giọt nước tràn ly. Sau ba lần hòa giải không thành, tòa án quyết định phê chuẩn đơn ly hôn khi chứng kiến tôi ra tòa với những bết bầm tím khắp người do bị chồng đánh.
- Con trai chị phản ứng ra sao trước quyết định của mẹ?
- Cháu ủng hộ và rất thương tôi. Sau khi ly hôn được 5 năm, chồng tôi còn tìm đến đánh vợ lần nữa. Kể từ đó, cháu có vẻ rất sợ mỗi khi bố đến tìm mẹ. Cũng kể từ đó, cháu gần như không qua lại nhà nội. Cháu không muốn tôi gặp bố cháu vì sợ mẹ lại bị ba đánh.
- Chị làm thế nào để thay thế vai trò của người đàn ông trong việc nuôi dạy con trai?
- Thành thực mà nói, tôi không thể thay thế vai trò đó được. Khi cháu còn bé, nhìn cháu bị trẻ con hàng xóm bắt nạt tôi không biết làm sao bảo vệ con. Tôi là nghệ sĩ, lại là phụ nữ, không thể la làng trước đám đông trong những trường hợp như vậy.
Tôi hiện sống cùng bố mẹ và vợ chồng anh trai. Anh trai tôi giúp đỡ một phần trong chuyện nuôi dạy và định hướng nhân cách cho cháu. Tôi đi diễn nhiều, mọi việc chăm sóc, dạy dỗ cháu phần lớn tôi nhờ cậy bố mẹ. Tôi chỉ có thể quản lý cháu từ xa.
Cũng may, cháu thương mẹ và sớm biết tự lập. Giờ cháu đã 16 tuổi, có chính kiến và ít thân thiết với mẹ như khi còn bé. Tôi bắt đầu thấy dấu hiệu của người đàn ông trưởng thành ở cháu khi tìm mọi cách che chở, bảo vệ mẹ.
- Vì sao sau 11 năm ly hôn, chị vẫn chưa tính đến chuyện đi bước nữa?
- Chắc tôi sẽ không kết hôn lần nữa. Chuyện con chung, con riêng rất phức tạp. Sau một lần đổ vỡ, tôi gần như mất niềm tin vào hôn nhân. Tôi sợ mình lại vấp phải bi kịch cũ, nếu để con chứng kiến lần nữa, hẳn sẽ là bi kịch lớn với cuộc đời cháu.
Nếu có tình cảm, tôi chọn cách làm bạn, làm người tình chứ không kết hôn. Số phận tôi cũng long đong sao đó. Người bạn trai tôi yêu thương đã mất cách đây hai năm do bạo bệnh. Từ đó đến nay, tôi chưa chấp nhận thêm mối tình nào.
Hoài An tên thật là Trần Thị Hoài An, sinh năm 1974 tại Hà Nội. Sau khi tham gia khóa 2 lớp Huấn luyện nghệ thuật diễn xuất do Hội Điện ảnh TP HCM tổ chức, Hoài An có những vai diễn trong phim Người đẹp Tây Đô, Đất phương Nam, Hải Nguyệt. Năm 1998, Hoài An đột nhiên bỏ ngang nghiệp diễn để kết hôn, sinh con. Sau khi trở lại với phim ảnh, Hoài An thành công với vai phụ nữ có số phận truân chuyên trong các phim truyền hình Gọi giấc mơ về, Chuyện làng Bè, Ngã rẽ cuộc đời, Tường vi cánh mỏng, Hương Bưởi, Khi người đàn ông trở lại... |
Châu Mỹ thực hiện