- Bí quyết gì giúp chị có thể vừa tấu hài trên sân khấu, vừa vào vai bi trên phim truyền hình?
- Thú thật việc tôi đóng cùng lúc cả hai dạng vai một phần do đạo diễn phát hiện ra tố chất mà chính tôi cũng không hề biết mình có. Có lẽ đạo diễn tin tưởng và tạo điều kiện nên tôi có cơ hội phát huy sở trường diễn cả bi lẫn hài.
Tôi cũng muốn mỗi khi nhận việc phải làm cho được nên cố gắng tách bạch các nhân vật với nhau. Có thể vai diễn trước tôi diễn rất tốt, rất xúc động, bi ai, nhưng xong là tôi quên liền, để dành sức cho những vai sau. Tôi hiếm khi để nhân vật đeo đẳng mình một thời gian dài.
Tôi rất chịu khó xem người khác diễn. Khi xem tôi phát hiện ra người này diễn hài còn thiếu một chút bi, người kia diễn bi còn thiếu một chút hài. Tôi thêm cái "một chút" ấy để bổ sung cho những vai diễn của mình.
- Ngoài đời chị là người thế nào so với những vai diễn khắc khổ qua phim ảnh?
- Có thể tôi không là ai trong số những nhân vật của mình nhưng mỗi nhân vật đều có một chút tính cách của tôi trong đó. Ngoài đời tôi khá khó tính và cầu toàn. Nhiều khi rất dữ tợn nhưng có lúc lại rất phúc hậu, thương người.
- Tính cầu toàn ảnh hưởng thế nào đến công việc của chị?
- Tôi không dựng vở kịch nào hai năm gần đây vì chưa nghĩ ra cách thu hút khán giả bằng chính chất lượng vở diễn. Có rạp khán giả cứ thưa vắng dần nhưng có những rạp vẫn đông khán giả mỗi đêm. Tôi không trách khán giả bởi họ cần cái mới, có tính giải trí cao.
Tôi sẽ không nhận làm vở nếu như không chắc về khả năng thành công khi đem công diễn. Làm kịch rất cực, tập cả tháng trời cho vài đêm diễn. Chưa kể mấy chục con người lo phục trang, ánh sáng, đạo cụ bên trong để phục vụ vài diễn viên trên sân khấu và một nhóm khán giả.
Tôi từng có thời gian dựng vở một cách thiếu cẩn thận. Chị Hồng Vân phải gánh cho tôi rất nhiều sai sót đó. Vì thế tôi dừng lại, thà làm chậm còn hơn làm mà mắc sai sót rồi phụ lòng những người đã thương mình. Tôi chỉ làm khi biết chắc vở đó làm ra không khiến người khác phải gia công nhiều và không làm cho khán giả thất vọng.
- NSƯT Minh Nhí đánh giá chị có tố chất của một người làm thầy. Chị nghĩ sao về chuyện có thêm thu nhập từ công việc giảng dạy diễn xuất?
- Tôi đã tham gia giảng dạy một thời gian. Dạy diễn xuất khó ở chỗ tìm đầu ra cho học viên. Tôi từng ở trong tình cảnh học xong không biết ra làm gì. Ai đến với lớp học cũng đầy khát khao và tham vọng trong khi tôi không có nhiều mối quan hệ hay sự khéo léo để kéo việc về cho học trò của mình. Lấy lương dạy mà không giúp được học trò khiến tôi cảm thấy xấu hổ và day dứt lương tâm. Dần dần tôi giãn ra và dừng hẳn. Có thể đến một thời điểm nào đó, khi đã vững hơn và nắm được nhiều đấu mối công việc hơn, tôi sẽ quay trở lại làm thầy.
- Chị nghĩ sao về thu nhập từ sân khấu kịch?
- Nếu lịch diễn đều, diễn viên không làm thêm, sân khấu vẫn nuôi sống tôi một cách tử tế. Nhưng đó là cách sống gói ghém và không mơ chuyện mua nhà đẹp, sắm xe sang.
Bản thân tôi không trông đợi nhiều vào thu nhập từ sân khấu. Cỡ như tôi, cát-xê được khoảng 700 - 800 nghìn đồng một vở diễn. Có được số tiền đó phải luyện tập hàng tháng trời. Chưa kể phải sắm đến hàng chục triệu tiền mua đồ diễn, không biết bao giờ mới hoàn lại vốn.
- Cát-xê không cao. Điều gì giúp chị duy trì các hoạt động từ thiện thường xuyên?
- Thực ra tôi chỉ đóng vai trò là người kêu gọi, tìm hiểu, dẫn dắt, phần đóng góp của tôi rất nhỏ. Mọi việc bắt đầu từ giải thưởng Diễn viên yêu thích nhất của Giải thưởng Truyền hình. Ở hai năm đầu tiên tôi vẫn chưa lọt được vào top 3. Đến năm thứ ba, tôi tự hứa nếu được như ý, tôi sẽ dành toàn bộ giải thưởng để làm từ thiện. Không ngờ nguyện ước của tôi thành sự thật. Nhờ người quen giới thiệu cho một số hoàn cảnh cần giúp đỡ, tôi rủ thêm bạn bè, anh chị đi làm từ thiện cùng. Sau đó, mọi người đề nghị tổ chức tiếp. Cứ vậy, tôi theo công việc này được 5 năm rồi.
Đi từ thiện, tôi thấy còn nhiều người khổ hơn mình. Hoàn cảnh khó khăn vậy họ còn sống được. Thậm chí, họ không ngừng mơ ước và hy vọng. Thành ra khi gặp khó khăn, tôi hay lấy hoàn cảnh của họ để động viên mình vượt qua.
- Chị nghĩ thế nào về việc một số nghệ sĩ dùng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi?
- Tôi tự hào là nhóm tôi làm từ thiện không vì mục đích đánh bóng tên tuổi ai cả. Gần một năm trở lại đây báo chí mới biết đến hoạt động của chúng tôi, trước đó tôi hoàn toàn giấu kín thông tin.
Thực tế, phần đóng góp của tôi trong nhóm rất ít, chỉ vài triệu đồng. Chẳng qua nghề diễn viên khiến nhiều người biết đến nên tôi thường đứng ra kêu gọi cho thuận lợi. Nếu bảo tôi đại diện cho cả nhóm lên nhận bằng khen hay giải thưởng, tôi không khi nào đồng ý. Làm vậy khác nào cướp công của rất nhiều người khác.
- Ngoài công việc, trở về nhà chị là người phụ nữ thế nào?
- Rảnh chút thời gian nào tôi đều dành cho gia đình. Bạn bè hiếm khi thấy tôi la cà cà phê hay mua sắm. Tôi có thể thức với con đến 2h sáng, nghe con tâm sự chuyện trường lớp rồi dậy sớm nấu nướng cho cả nhà. Bạn bè thường nói tôi sống khá khép kín.
- Chị làm thế nào để duy trì được hạnh phúc gia đình khi cả chị và ông xã đều hoạt động nghệ thuật?
- Bản thân tôi không dùng những từ đẹp như "hạnh phúc", "tình yêu", "viên mãn"... cho cuộc đời mình. Người ta chỉ xài từ "hạnh phúc" để gọi tên một sự tròn trịa, tôi chắc chắn không nằm trong số đó. Cuộc sống của chúng tôi cũng cãi cọ, cũng giận hờn, cũng cơm áo gạo tiền, thậm chí cũng vài lần tính dọn đồ ra đi. Những lúc như vậy tôi tự hỏi mình làm thế sẽ được gì, mất gì và rồi đặt mình vào vị trí của người kia để nhìn nhận vấn đề.
Với nghệ sĩ, cái tôi và sự nhạy cảm rất lớn. Chính vì nhạy cảm nên chúng tôi biết tránh chạm vào những chỗ làm đau người kia.
Thực ra hạnh phúc gia đình là do hai người muốn giữ nó hay không. Nếu muốn giữ, tự bản thân mỗi người sẽ biết cách nhịn, cách lui. Vì điều đó mà mình chịu thiệt thòi một chút cũng không sao.
Hạnh Thúy tên thật là Ngô Phạm Hạnh Thúy, sinh năm 1976 tại Bến Tre. Hạnh Thúy cùng Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương... là lớp học trò đầu tiên của NSƯT Minh Nhí tại trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Cô vừa là diễn viên kịch, vừa đóng phim, vừa làm đạo diễn sân khấu. Hạnh Thúy từng đoạt giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" nhờ vai diễn trong phim truyện nhựa Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tại Liên hoan phim Việt Nam 2007. Vở kịch Dòng nhớ do cô dàn dựng từng đoạt 7 giải thưởng trong đó có giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Hạnh Thúy được khán giả biết đến nhiều qua những vai phụ nữ cam chịu, khắc khổ trong các phim Dòng sông định mệnh, Vịt kêu đồng, Cái bóng bên chồng, Hương bưởi... |
Châu Mỹ thực hiện