Diễn viên được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do Nhà nước trao tặng cho các cá nhân trong lĩnh vực văn hóa. Được vinh danh ở tuổi 68, sau nhiều lần làm hồ sơ, Hương Dung nói biết ơn vì được ghi nhận những nỗ lực trong nghề.
Nghệ sĩ công tác ở Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân (nay là Nhà hát Công an nhân dân, Bộ Công an) năm 1985, đến năm 1993 thì nghỉ hưu sớm, lúc sự nghiệp đang ở độ ''chín''. Khi ấy, diễn viên mang bầu con thứ ba, đồng lương hạn chế, chồng công tác xa nhà. Vì vậy, chị nghỉ diễn để dành thời gian kiếm tiền, chăm con. Nghĩ về quyết định, Hương Dung thở dài tiếc nuối, song hoàn cảnh buộc chị phải lựa chọn.
Những năm 2000, nỗi sợ lớn của Hương Dung là đi họp phụ huynh bởi mỗi lần như vậy lại tốn một khoản cho học phí của con. ''Đó cũng là thời điểm khó khăn nhất của tôi'', nghệ sĩ nói. Khi đóng Chạy án (lên sóng năm 2006), chị nhận thù lao 80 triệu đồng nhưng thực lĩnh không còn nhiều, bởi phải ứng trước tiền xăng xe, trang phục. Để có thu nhập, Hương Dung duy trì công việc lồng tiếng, đóng phim, làm đạo diễn âm thanh, tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nghệ sĩ bán đồ ăn, kinh doanh quán cà phê. "Cứ việc gì hợp pháp mà ra tiền là tôi làm'', chị cho hay. Thậm chí, nghệ sĩ tự đi giao hàng để tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, biến cố nợ nần khiến cuộc sống của Hương Dung lao đao. Nghệ sĩ cho biết từng đứng ra bảo lãnh giúp một người bạn thân vay tiền, nhưng khi người này hết khả năng chi trả và bỏ đi, chị trở thành người gánh món nợ. Làm được bao nhiêu tiền, chị lại tích góp để trả. Đến giai đoạn không thể gồng gánh, nghệ sĩ phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình. Chỉ khi trả hết nợ, các con cũng lớn, cuộc sống của Hương Dung mới dần ổn định. Hiện ba con của nghệ sĩ gồm Thùy Dương, 42 tuổi, Hà Duy, 35 tuổi và Phương Minh, 30 tuổi, đều đã yên bề gia thất.
Hiện Hương Dung thấy may mắn vì sức khỏe tốt dù luôn bận rộn, đôi khi chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi đêm. Làm nhiều việc song nghệ sĩ không thấy vất vả, bởi chị thích vận động. Trong tuần, Hương Dung dành năm ngày học tiếng Anh để phục vụ vai trò quản lý cơ sở một thẩm mỹ viện ở Australia. Chị thường ở Australia ba tháng, sau đó về nước.
Lúc ở Việt Nam, Hương Dung nhận đến các tỉnh, hỗ trợ dựng vở cho một số đơn vị. Có thời gian, nghệ sĩ lại tổ chức lớp học online về giọng nói. Sắp tới, chị mong sắp xếp được công việc để có thể giảng dạy trực tiếp tại các trung tâm hay trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Được công chúng biết đến nhiều nhất trên truyền hình nhưng khởi điểm của Hương Dung là diễn viên kịch. Từ năm 10 tuổi, nghệ sĩ đã thích cùng những người bạn chơi trò hóa trang, treo tấm khăn và tái hiện cảnh chiếc màn được vén ra khi một vở diễn bắt đầu. Cứ thế, tình yêu sân khấu trong chị được nuôi dưỡng hàng ngày, đến năm 13 tuổi, khi trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về Hạ Long - nơi Hương Dung sống cùng gia đình - tuyển diễn viên, chị mạnh dạn đăng ký.
Dù trúng tuyển, Hương Dung đành gác lại ước mơ bởi lúc ấy mẹ chị mới sinh người em út, kinh tế gia đình khó khăn. Những năm 1970, chiến tranh nổ ra, nhà của nghệ sĩ bị bom san phẳng, chị cùng bố mẹ phải ''thắt lưng buộc bụng'' để sinh sống. Thế nhưng cuộc sống vất vả không làm vơi mong muốn trở thành diễn viên sân khấu của chị. Nghệ sĩ cho biết ngày đi học, chị thường không tập trung nghe giảng vì "chỉ thèm đi văn công''.
Tháng 2/1975, Hương Dung nhập ngũ, trở thành lính thông tin của trường Quân chính, trực thuộc Quân khu 3. Năm 1976, trong một lần đọc báo Nhân dân và biết Đoàn kịch Quân đội Tổng cục chính trị tuyển diễn viên, chị nhanh chóng thi tuyển và đỗ. Hai năm sau Hương Dung ra quân, đi học tài chính - kế toán nhưng đến tháng 2/1979, chị lại được Đoàn Quân khu 3 chiêu mộ và biên chế vào đội hát.
Năm 1985, khi dựng lại vở Nữ ký giả để tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP. HCM, Đoàn Kịch nói Công an Nhân dân đã về các đơn vị để tìm diễn viên. Hương Dung được đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Đình Nghi - chọn vào vai ký giả Hà Thu. Vở kịch sau đó được huy chương bạc tại Hội diễn, còn Hương Dung nhận huy chương vàng. Đây cũng là thành tựu đầu tiên của chị sau hơn mười năm kiên trì với tình yêu dành cho kịch nói.
Những năm sau đó, diễn viên miệt mài tham gia các vở. Không được đào tạo bài bản, Hương Dung diễn theo bản năng, kết hợp quan sát thực tế và trải nghiệm của bản thân. Sau này nghỉ hưu, mỗi lần theo dõi đồng nghiệp trên sân khấu, chị luôn thèm được đứng ở ''thánh đường'', hóa thân vào mọi mảnh đời và thăng hoa với đủ cung bậc cảm xúc. Đôi khi, chị tự đánh giá một số hạn chế của diễn viên, mong muốn họ thể hiện "đã" hơn để thỏa mãn khán giả.
Vì đam mê với nghệ thuật kịch chưa bao giờ tắt, Hương Dung cho biết nếu được nhận một vai diễn sân khấu lúc này, chị sẵn sàng gác lại mọi công việc khác. Ngoài ra, nghệ sĩ mong có cơ hội diễn cùng lớp trẻ, qua đó truyền cho thế hệ sau những kinh nghiệm của mình.
Phương Linh