Sáng 6/3, 389 nghệ sĩ ăn mặc chỉnh tề, có mặt ở Nhà hát Lớn Hà Nội từ sớm để nhận danh hiệu Nhà nước trao tặng. Số lượng người nhận giải đông, ban tổ chức chỉ cho người nhà một số nghệ sĩ lão thành đến cùng. Do kỳ trao giải bị hoãn nhiều lần trong hai năm, nhiều người cho biết háo hức sau thời gian dài chờ đợi.
Các nghệ sĩ ở tuổi "cổ lai hy" gặp nhau tay bắt mặt mừng. Nghệ sĩ Minh Phức tự hào là người thứ ba trong gia đình có danh hiệu, sau chồng - Nghệ sĩ Ưu tú Tự Lẫm và con trai - Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long. Ở tuổi 75, bà mắc bệnh ung thư, từng trải qua hai lần phẫu thuật, 11 lần truyền hóa chất, nhưng giữ tinh thần lạc quan, yêu ca hát. Sau nhiều năm công tác ở Đoàn Quan họ Bắc Ninh, bà nghỉ hưu, vẫn sinh hoạt ở một số câu lạc bộ. Bà xúc động nói: "Nhận bằng khen, tôi không còn nuối tiếc điều gì. Tôi đã làm tròn nhiệm vụ của người học trò với những nghệ nhân đi trước".
Diễn viên Lê Mai, 86 tuổi, đến buổi lễ cùng con gái Lê Khanh. Bà hội ngộ nhiều bạn già như Thanh Tú, Kim Xuyến. Lê Mai cùng diễn viên Kim Xuyến được đặc cách nhận Nghệ sĩ Ưu tú theo quy chế mới, dù không đủ số lượng huy chương theo quy định. Bà hạnh phúc khi cùng các bạn già được tri ân ở tuổi xế chiều.
Nhiều người cho biết vẫn hoạt động nghệ thuật miệt mài sau khi có danh hiệu. Diễn viên Đức Trung, 85 tuổi, tham gia một số dự án đào tạo nhân lực sân khấu. Diễn viên Trần Đức, 70 tuổi, đóng phim, giảng dạy ở Cao Đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Dịp này, Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho năm người, trong đó có nghệ sĩ Thanh Kim Huệ. Bà qua đời tháng 12/2021 vì bệnh ung thư. Chồng bà - nghệ sĩ Thanh Điền - cười tươi khi hai lần lên sân khấu nhận bằng, nhưng ngậm ngùi sau cánh gà. Ông nói: "Khi nhìn danh hiệu truy tặng cho vợ, tôi buồn nhưng cũng tự hào. Cảm ơn khán giả luôn theo dõi và yêu mến vợ chồng tôi".
* Khoảnh khắc nghệ sĩ trong ngày nhận danh hiệu
So với chín kỳ trước, các nghệ sĩ nhận danh hiệu dịp này được trẻ hóa. Ở nhóm được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, nhiều tên tuổi đang độ tuổi sung sức, là lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật hoặc tên tuổi quen mặt với khán giả. Xuân Bắc, 48 tuổi, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nói: "Tôi cảm nhận áp lực, sức nặng, một hành trình mới đang bắt đầu, khiến tôi trăn trở về việc phải làm gì để xứng đáng. Danh hiệu rất cần thiết nhưng không phải đích đến cuối cùng của những người làm nghề chân chính. Đó là sự khích lệ, động viên nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm có giá trị chân - thiện - mỹ". Anh cho biết hãnh diện, nhất là với các con trai - những người luôn tự hào về công việc của bố.
Tấn Minh, 52 tuổi, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cùng vợ là Thu Huyền, 49 tuổi, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, cùng nhận danh hiệu. Ca sĩ Thanh Lam là giọng ca tự do đầu tiên có danh hiệu. Còn Phạm Phương Thảo, 42 tuổi, là người trẻ nhất được phong Nghệ sĩ Nhân dân.
Ở nhóm nghệ sĩ nhận danh hiệu Ưu tú, diễn viên Ốc Thanh Vân nói: "Tôi từng đến Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng cảm giác hôm nay thật khác, sung sướng và hồi hộp. Khi gặp gỡ nhiều cô chú, anh chị đồng nghiệp tài giỏi, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Tôi nghĩ đây là vinh dự mình chỉ có một lần trong đời. Cầm bằng khen trên tay, tôi nhớ về những nỗ lực làm nghề suốt thời thanh xuân, cảm thấy mọi thứ thật xứng đáng". Ốc Thanh Vân cho biết hiện ít đóng phim, kịch nhưng sẵn sàng lăn xả nếu có vai diễn sân khấu phù hợp.
Trong số nghệ sĩ miền Nam ra Hà Nội nhận danh hiệu, diễn viên hài Bảo Trí có mặt trước buổi lễ một ngày, được nhiều đồng nghiệp dẫn đi Hồ Tây chơi. Gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè về nghề, anh cho biết thêm yêu công việc, có cảm hứng phấn đấu.
Năm nay, kỳ trao giải còn một số tiếc nuối, khi một số nghệ sĩ được khán giả yêu mến, có nhiều năm cống hiến như Lê Thiện không được trao danh hiệu cao nhất, những gương mặt quen thuộc như Chí Trung, Quang Tèo cũng trượt NSND.
Buổi lễ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, trao danh hiệu cho 125 Nghệ sỹ Nhân dân và 264 Nghệ sỹ Ưu tú. Tại sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: "Các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thực sự là vốn quý của đất nước, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước".
Ông Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết việc mở rộng xét Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, trải đều trên các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, múa giúp bao quát, đánh giá toàn bộ đóng góp của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, để "không ai bị bỏ lại phía sau''. Theo ông, danh hiệu là mục tiêu phấn đấu của cuộc đời mỗi nghệ sĩ. Trong bối cảnh hiện nay, đó có thể được xem như thương hiệu cá nhân.
Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng không phải cứ nổi tiếng, được công chúng biết đến rộng rãi thì đương nhiên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Song ông cũng đồng ý nghệ sĩ phải được nhận diện thông qua tác phẩm, tài năng, những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Ông nghĩ bổ sung tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của khán giả sẽ là ý tưởng có thể tham khảo và áp dụng.
"Tôi nghĩ cần nâng cao hơn nữa chất lượng giải thưởng để lựa chọn ra đúng người ưu tú, xứng đáng với danh hiệu cao quý'', ông Sơn nói. Theo ông, cần tạo điều kiện, môi trường tốt để các nghệ sĩ có thể thi tài năng, tạo ra các sản phẩm xứng tầm. Trên cơ sở đó có thể tìm được nhiều nhân tài, bảo đảm chất lượng cho các danh hiệu Nhà nước trong văn hóa, nghệ thuật.
Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nhà nước từng tổ chức các đợt xét duyệt năm 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015, 2019. Người được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.
Hà Thu