Nghệ sĩ cho biết về công việc, cuộc sống dịp trở lại màn ảnh với vai Hòa trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao. Nhân vật là bà chủ một cửa hàng hoa quả, sống có tình nghĩa nhưng sẵn sàng "xù lông" để bảo vệ người thân.
- Vai của chị trong phim gần đây bị khán giả ghét vì ngăn cấm tình yêu của con gái và chàng trai nghèo. Chị nghĩ sao?
- Khi nhận lời tham gia, tôi chỉ được cầm kịch bản 10 tập đầu. Lúc ấy, nhân vật chưa có nhiều chuyển biến, đất diễn cũng ít. Thời điểm bà Hòa phát hiện con gái yêu con trai ông Lưu - người cửu vạn trong chợ, bà phản ứng gay gắt, tìm cách chia rẽ đôi trẻ. Tôi nghĩ diễn biến này hợp lý. Gia đình bà Hòa khá giả, dù đã ly hôn chồng, vẫn luôn tạo cho con điều kiện tốt nhất. Thấy con gái quen con trai một người làm thuê, nát rượu, nhà cửa còn chẳng có, bà chắc chắn không cam tâm.
Trong phim, nhiều đoạn tôi diễn thoại bốp chát, đanh đá nhưng ngoài đời, tính cách tôi hoàn toàn trái ngược. Tôi hướng nội, ít tụ tập, khá hiền lành.
- Kỷ niệm nào trong quá trình đóng phim khiến chị nhớ nhất?
- Tôi vốn bị viêm xoang, dễ dị ứng, hắt hơi khi gặp mùi lạ. Cảnh quay cãi nhau với nhân vật Lưu (Hoàng Hải) ở xóm trọ, chúng tôi đứng ngay cạnh nhà vệ sinh, rất ngột ngạt, khó chịu.
Ngày đầu quay ở chợ, tôi không biết rằng đoàn phim chỉ được dùng nhà vệ sinh đến 18h, sau đó ban quản lý sẽ đóng cửa. Hôm ấy, tôi phải chạy xe máy vòng quanh, cuối cùng vào nhờ một nhà dân "giải quyết". May là họ có xem phim, nhận ra tôi nên vui vẻ đồng ý. Từ hôm sau, tới giờ nhà vệ sinh đóng cửa là chúng tôi phải ngừng uống nước. Khu vực lấy bối cảnh cửa hàng hoa quả cực kỳ nóng, bởi ở gần 5, 6 chiếc tủ lạnh trữ đồ, phải chịu luồng hơi phả ra. Mỗi lần quay xong một cảnh, cả êkíp đều mệt nhoài.
- Chị nghĩ sao khi mình thường có duyên với các vai phụ?
- Năm 2000, tôi từng ghi hình ba số Gặp nhau cuối tuần - chương trình đình đám lúc bấy giờ - nhưng sau đó nghỉ vì bận việc khác, con cái cũng còn nhỏ. Tôi không tiếc bởi đó là sự lựa chọn của mình. Đến năm 2010, một bạn ở hãng phim mời tôi đóng Bà nội không ăn pizza (đạo diễn Khải Anh), qua lời giới thiệu của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Sau đó, tôi liên tiếp có duyên với các vai giúp việc, chủ nhà trọ trong Cả một đời ân oán, Nhà trọ Balanha, 11 tháng 5 ngày.
Tôi quan niệm vai chính và phụ đều quan trọng như nhau, làm nghệ sĩ mà cứ phải chờ vai chính mới "bung lụa" thì chẳng ai tin tưởng mời mình đâu. Tôi thích hóa thân các nhân vật lạ, có cá tính, coi đó là một thử thách.
- Chị từng trải qua những khó khăn gì với nghề diễn?
- Hồi nhỏ, bố đưa tôi đi tập violin. Mỗi buổi, sau khi trả bài xong cho thầy, tôi xuống tầng xem lớp kịch diễn rồi từ đó mê sân khấu. Thi đại học, gia đình hướng cho tôi trở thành bác sĩ giống mẹ. Tôi đỗ Đại học Y Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh nhưng giấu giấy báo nhập học ngành y, theo nghệ thuật. Tôi tốt nghiệp loại xuất sắc, ra trường thi đỗ vào Nhà hát Tuổi trẻ nhưng công việc không thuận lợi.
Thời điểm ấy, những gương mặt như chị Lê Khanh, Minh Hằng, Lan Hương, Ngọc Huyền mới ngoài 30, có cả tài năng lẫn nhan sắc, đảm nhiệm vai chính hầu hết các vở. Lính mới như tôi chỉ đóng vai chạy qua chạy lại trên sân khấu. Tôi từng có thời gian nản lòng, đi học thêm tiếng Anh và tin học để chuyển nghề nhưng cũng không phù hợp làm công việc văn phòng.
Suốt vài năm, tôi đi làm trang điểm cô dâu để có thêm thu nhập. Những năm 1990, điện thoại thông minh chưa có, tôi nhiều hôm một mình chạy xe từ 3-4h sáng để kịp cho khách làm lễ, đón dâu. Sau này, tôi bắt đầu đóng nhiều vai ở Nhà hát Tuổi trẻ hơn, lại kết hôn, sinh con nên mới bỏ việc trang điểm.
- Gia đình ủng hộ công việc của chị thế nào?
- Chồng là kỹ sư, tôi là diễn viên, hoàn toàn khác biệt. Trước khi kết hôn, tôi nói rõ với ông xã rằng công việc rất bận, có khi đi công tác đằng đẵng hàng tháng trời, thu nhập lại không quá cao. May mắn là nhờ sự thẳng thắn ấy, vợ chồng tôi hiểu và thông cảm cho nhau.
Tôi có hai con, con trai lớn 18 tuổi, con gái 15 tuổi. Các con đều không có hứng thú với nghệ thuật. Tôi nghĩ đó cũng là cái may, bởi làm nghề hơn 30 năm, tôi hiểu nỗi vất vả, khó nhọc của công việc này hơn ai hết, trong khi lớp trẻ bây giờ có nhiều cơ hội khác. Trong gia đình, tôi là người mẹ khá tâm lý, luôn lắng nghe, lựa theo các con.
Hà Thu