Để trở thành điện thoại nghe nhạc tiêu chuẩn thì ngoài khả năng chơi nhạc xuyên suốt, không vấp váp, loa ngoài truyền tải âm thanh ấn tượng, tai nghe là loại tốt thì bộ nhớ của máy phải lớn. Phần lớn điện thoại trên thị trường hiện tại đều sử dụng giắc cắm tai nghe 3,5 mm chứ chưa sẵn sàng cho tai nghe thông thường.
Dưới đây là những điện thoại nghe nhạc nhận được phản ứng tốt từ thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những cái tốt cũng có những điểm chưa hoàn toàn hợp lý.
1. Sony Ericsson W850i
W850i dáng trượt. Ảnh: Technoblog.
Sau một loạt model dạng thanh, gập và xoay, Sony Ericsson quyết định làm một sự đột phá với W850i dáng trượt. Nhìn chung, với kiểu dáng này, W850i rất hấp dẫn, thân máy vừa chắc, đảm bảo dễ sử dụng mà lại trượt rất sành điệu. Tuy nhiên, các phím điều khiển bố trí ngay dưới màn hình thì lại được thiết kế hơi sơ sài.
Về tính năng, W850i đáp ứng được những gì bạn yêu cầu với một điện thoại nghe nhạc: Phần mềm nghe nhạc chuyên nghiệp kế thừa và phát huy từ những dòng điện thoại Walkman trước, âm thanh stereo ấn tượng. Giá tham khảo của sản phẩm là 8.350.000 đồng.
2. Nokia 5300 XpressMusic
Nokia 5300 mới ra mắt. Ảnh: Dedigitalerevolutie.
Thương hiệu Xpress Music của Nokia tuy không nổi bằng Sony Ericsson nhưng cũng thể hiện được sự đầu tư của công ty vào thị trường ăn khách này. Nokia 5300 là điện thoại trượt nhưng được phối màu rất độc đáo và trẻ trung, các nút điều khiển nhạc nằm ngay bên cạnh màn hình. Điện thoại sử dụng nền S40 rất quen thuộc với người dùng tại Việt Nam. Điểm chê trách duy nhất ở Nokia 5300 là khe cắm thẻ nhớ ở vị trí hơi bất tiện cho mỗi lần thay đổi thẻ nọ với thẻ kia.
Giá tham khảo: 4.070.000 đồng.
3. Motorola Rokr E2
Motorola Rokr E2. Ảnh: Phonedaily.
Rokr E2 vẫn giữ cái dáng tròn mập của E1 khi mà những điện thoại mới ra đang đổ theo xu hướng mỏng hóa. Nói về thiết kế thì Motorola không thành công lắm với E2. Điện thoại bằng nhựa cứng, mặt sau hơi ráp tạo cảm giác một điện thoại sần sùi, giản dị chứ không mượt mà óng ả như sản phẩm của những hãng khác. Bù lại, E2 mang giao diện menu nhạc giống của iPod nên rất dễ sử dụng. Máy sắp xếp bài hát theo Playlist, Album, Genres, Composer. 12 chế độ EQ có vẻ nhiều cho một điện thoại nhưng lại là bình thường với một máy nghe nhạc số. Không chỉ bó hẹp trong những chế độ thông thường, Rokr E2 còn có Bass Boost, Small Speaker, Vocal Reducer và Vocal Booster
Đây là một trong những music phone hiếm hoi trên thị trường sử dụng hệ điều hành Linux. Giá tham khảo: 5.300.000 đồng.
4. Nokia 3250
Nokia 3250 xoay một kiểu. Ảnh: Symbian-freak.
Nokia 3250 có dáng vẻ rất nghệ sĩ bàn phím xoay đi xoay lại được như dáng vẻ của người nhảy điệu twist. 3250 là điện thoại đầu tiên của Nokia dùng thẻ nhớ miniSD mở rộng tới 1 GB khả năng lưu trữ nhạc và ảnh của máy. Phần mềm của 3250 giống như các điện thoại Nokia khác nên rất dễ sử dụng. Chương trình Audio Manager giúp người dùng sử dụng các đĩa CD sang định dạng âm thanh mong muốn rồi tải sang 3250.
Giá tham khảo: 5.280.000 đồng.
5. Sony Ericsson W810i
W810i hao hao giống W800i. Ảnh: Mphone.
W810i được thiết kế giống W800i về hình thức và thực tế, tính năng của điện thoại này cũng chỉ hơn W800i một chút. Khả năng kết nối của W810i đa dạng, máy vừa có Bluetooth, vừa có cổng hồng ngoại, hỗ trợ tin nhắn text, tin nhắn đa phương tiện, email cũng như có thể đồng bộ hóa dữ liệu với máy tính qua cổng USB.
Giống những điện thoại nghe nhạc hiệu Walkman khác, W810i có giao diện giống máy nghe nhạc số chuyên nghiệp. Các hiệu ứng âm thanh hữu dụng mang lại trải nghiệm âm thanh khác biệt. Giá của máy đã giảm khá nhiều so với thời gian đầu mới ra mắt (6.150.000 đồng) và có hai màu (đen, trắng).
Thanh Vân tổng hợp