Cục Tác chiến Mặt nước thuộc Bộ tham mưu hải quân Mỹ (OPNAV) đang huy động các chuyên gia đánh giá về yêu cầu cần có trên mẫu chiến hạm mới nhằm thay thế cho lớp tàu tuần dương Ticonderoga đang ngày càng trở nên già cỗi của nước này, theo Sputnik.
"Mọi người thường hỏi lớp tàu tuần dương tiếp theo sẽ là gì. Tôi muốn nhấn mạnh loại chiến hạm thay thế lớp Ticonderoga có thể sẽ không phải tàu tuần dương. Nó sẽ lớn hơn những chiếc Ticonderoga, sở hữu khả năng nâng cấp và trang bị vũ khí mới sau nhiều năm hoạt động", Phó đô đốc Ron Boxall, người đứng đầu OPNAV, phát biểu hồi đầu năm nay.
Phó đô đốc Boxall khẳng định hải quân Mỹ sẽ hoàn thiện các yêu cầu về tính năng kỹ chiến thuật của lớp tàu mới trong giai đoạn 2018-2019, nhằm bảo đảm chiếc đầu tiên ra mắt trong năm 2024. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch loại biên 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga trong biên chế Mỹ hiện nay.
Lớp Ticonderoga được chế tạo trong giai đoạn 1980-1994, từng là niềm tự hào của hải quân Mỹ. Tuy nhiên, nó dần bị thất sủng bởi chi phí dành cho thủy thủ đoàn quá cao, trong khi cơ sở hạ tầng và công nghệ đã trở nên lạc hậu, do được phát triển trên nền tảng tàu khu trục lớp Spruance biên chế trước đó nhiều năm. Điều này khiến những chiếc Ticonderoga rất khó chỉnh sửa và nâng cấp so với tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Hải quân Mỹ từng dự định thay thế chúng bằng dự án tàu tuần dương công nghệ cao mang tên mã CG(X). Tuy nhiên, đơn giá của CG(X) lên tới 3,5-6 tỷ USD/chiếc khiến Washington hủy bỏ chương trình này.
Khu trục hạm lớp Zumwalt được kỳ vọng sẽ là giải pháp thay thế hoàn hảo cho Ticonderoga, bởi lớp tàu khu trục này được tự động hóa cao độ, giúp nó thực hiện nhiệm vụ với thủy thủ đoàn chưa bằng một nửa so với một chiếc Ticonderoga.
Tuy nhiên, lớp tàu này đã gặp hàng loạt vấn đề như lỗi kỹ thuật ở vũ khí và hệ thống động lực. Chi phí quá cao cũng khiến hải quân Mỹ chỉ đặt mua ba chiếc Zumwalt so với kế hoạch 32 tàu, không đủ thay thế những tuần dương hạm Ticonderoga già cỗi sắp bị loại biên.
"Chúng ta sẽ cần loại tàu có kích thước và lượng giãn nước lớn hơn một chút so với lớp Ticonderoga, để có thể lắp đặt các hệ thống làm mát và cung cấp năng lượng mới. Khả năng nâng cấp nhanh chóng, cùng mức độ thích ứng với nhiều nhiệm vụ sẽ là những yêu cầu then chốt. Nó cần có nhiều khoảng trống để phát triển", Boxall tiết lộ.
Loại tàu chiến mới dự kiến được lắp hệ thống radar lớn hơn mẫu AN/SPY-1D hiện nay, cùng vị trí lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Con tàu sẽ được trang bị hệ thống phát điện mạnh hơn, cho phép vận hành vũ khí laser và pháo điện từ. Ngoài ra, nó phải cho phép thay đổi hệ thống máy tính và trang thiết bị điều khiển mà không cần khoan cắt khung thân. "Đây là vấn đề lớn, từng giới hạn tiềm năng tác chiến của lớp Ticonderoga", Boxall khẳng định.
Byan McGrath, cựu hạm trưởng tàu khu trục Mỹ, cho rằng loại tàu thay thế Ticonderoga phải có khả năng vận hành nhiều máy bay không người lái (UAV) tầm trung, nhằm tăng cường tầm cảnh giới và khả năng tiến công của chiến hạm. Giải pháp này cũng giúp hạn chế sự phụ thuộc của mỗi tàu chiến vào các hệ thống trinh sát và tình báo bên ngoài, tăng tối đa khả năng độc lập tác chiến trên biển.
Dù diện mạo loại tàu chiến mới chưa được xác định, Boxall cho biết nó sẽ được phát triển dựa trên những bài học trong quá khứ, bao gồm thiết kế module hóa của lớp Spruance và hàng loạt tiến bộ công nghệ của lớp Zumwalt.