Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đồng ý kiến nghị bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện LNG Bạc Liêu (điện khí Bạc Liêu) vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với toàn bộ công suất 3.200 MW và vận hành các tổ máy trong giai đoạn 2024-2027. Giá bán điện là 7 cent một kWh cho toàn bộ vòng đời dự án.
Ý kiến của Bộ Công Thương có thay đổi so với những lần đề nghị trước đây về dự án này. Ở các lần kiến nghị trước, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy hoạch công suất 3.200 MW nhưng phân theo các giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 quy mô 800 MW, vận hành năm 2024. Các giai đoạn sau vận hành sau năm 2025 và được cụ thể hoá trong Quy hoạch điện VIII đang được cơ quan này xây dựng.
Nhưng điểm đáng chú ý tại dự án này là mức giá bán điện 7 cent một kWh mà nhà đầu tư - Công ty Delta Offshore Energy (DOE) đưa ra. Mức này hiện thấp hơn giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống điện, thấp hơn giá sản xuất điện bình quân của điện than khu vực miền Nam (khoảng 7,8 cent một kWh).
Cơ sở đưa ra mức giá 7 cent một kWh, DOE giải thích trong các văn bản gửi cấp có thẩm quyền, là nhờ giải pháp tích hợp tất cả trong một dự án, từ các dây chuyền công nghệ về cung ứng, bến nhập, lưu kho khí LNG, đường ống dẫn khí, đến nhà máy phát điện...
Với giá 7 cent một kWh, Bộ Công Thương cho rằng, việc đưa nhà máy vào vận hành là có lợi trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt nguy cơ thiếu điện giai đoạn tới nhưng có nhiều băn khoăn.
Theo Bộ Công Thương, tham chiếu giá bán khí cho dự án 8,37 cent/trBTU, số giờ vận hành 6.000 giờ một năm, thì giá điện của dự án sẽ khoảng 8,39 cent một kWh, chưa gồm chi phí đầu tư lưới điện đồng bộ. Mức giá này cao hơn giá cam kết 7 cent chủ đầu tư đưa ra.
Mặt khác, điều kiện địa lý nơi đặt dự án này được đánh giá khá bất lợi, cảng nhập LNG cách đất liền 35 km, chưa đánh giá chi tiết về luồng tàu, vũng quay tàu... Các yếu tố này có thể làm tăng chi phí đầu tư, khó đảm bảo giá thành sản xuất điện 7 cent một kWh như nhà đầu tư đề xuất.
Ngoài lưu ý về giá, cơ quan quản lý cũng cho hay, khu vực đồng bằng Tây Nam bộ - nơi đặt dự án điện khí Bạc Liêu, tập trung nhiều nguồn điện (nhiệt điện, điện gió...) nên khả năng giải toả công suất bị hạn chế. Tính toán sơ bộ, phải xây dựng khoảng 355 km đường dây 500 kV để giải toả công suất, tổng mức đầu tư khoảng 285 triệu USD. Các công trình lưới điện cần xây dựng, gồm đường dây 500 kV Bạc Liêu – Long Phú dài 70 km; đường dây 500 kV Bạc Liêu – Thốt Nốt dài 130 km và 155 km đường dây Thốt Nốt – Đồng Tháp.
Vì thế, nếu bổ sung quy hoạch toàn bộ 3.200 MW dự án, nếu giá điện thay đổi, tăng trên 7,8 cent một kWh thì sẽ tác động "làm tăng giá thành sản xuất điện bình quân của hệ thống và làm tăng giá bán lẻ điện".
"Nhà đầu tư cần tuân thủ đúng cam kết về giá điện 7 cent một kWh cho cả đời dự án nếu bổ sung toàn bộ công suất 3.200 MW dự án vào quy hoạch điện lực", văn bản Bộ Công Thương nêu.
Sau khi dự án được bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét lại quy mô, thời điểm xuất hiện dự án nếu trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư mà giá điện đề xuất tăng trên 7 cent một kWh.
Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp 8 vừa diễn ra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về chậm triển khai các dự án trước nguy cơ thiếu điện từ năm 2020, trong đó có dự án điện khí Bạc Liêu. Nhiều đại biểu cho rằng Bộ Công Thương đã chưa tích cực, khiến dự án dù được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc 18 tháng và sau 12 tháng bổ sung thủ tục hồ sơ vẫn chưa thể triển khai. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét, đề nghị bổ sung toàn bộ dự án này vào quy hoạch.
Theo hồ sơ do UBND tỉnh Bạc Liêu cung cấp, Công ty DOE đóng vai trò là thành viên đứng đầu phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Bạc Liêu của liên doanh gồm các đối tác chiến lược đã cam kết là Tập đoàn GE (Mỹ) và DNB Bank ASA (Den Norsk Bank). Hiện các đối tác này có thư bày tỏ quan tâm tham gia đầu tư dự án. Với quy mô vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Bạc Liêu đang đưa ra phương án vay 85% vốn.
Anh Minh