Khẳng định này được ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nêu tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 30/9.
Lãnh đạo Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo cho hay, vừa qua cơ quan này nhận nhiều kiến nghị của các địa phương về gia hạn giá FIT cho các dự án không kịp vận hành thương mại (COD) trước 31/10/2021. Nguyên nhân là các tỉnh phía Nam - nơi đặt các dự án điện gió - thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 kéo dài khiến các dự án bị ảnh hưởng. Các địa phương đề xuất gia hạn giá FIT cho các dự án bị tác động bởi Covid-19 thêm 3-6 tháng.
Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, Bộ không xem xét gia hạn hay kiến nghị Chính phủ gia hạn giá ưu đãi cố định (giá FIT) với các dự án điện gió vận hành sau ngày 31/10 tới.
Các dự án xây dựng dở dang nhưng do ảnh hưởng của Covid-19 không kịp vận hành trước ngày 31/10 sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp nhưng cũng không áp dụng giá FIT. Bộ sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý số dự án này trên nguyên tắc chi phí, vốn đầu tư, vận hành bảo dưỡng nhà máy... để chủ đầu tư thương thảo với bên mua điện, nhằm xác định giá mua điện.
Còn các dự án bắt đầu xây dựng sau ngày 31/10/2021 - thời điểm Quyết định 39 hết hiệu lực - sẽ không được áp dụng hưởng cơ chế giá FIT, thay vào đó sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu. Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình nghiên cứu cơ chế giá đấu thầu cho điện gió theo nguyên tắc chủ đầu tư sẽ thương thảo giá mua điện với bên mua điện theo khung giá Bộ Công Thương quy định, công bố hằng năm.
Theo số liệu của EVN, đến đầu tháng 8 có 106 dự án điện gió đăng ký đóng điện, thử nghiệm COD. Trong số này 54 dự án thuộc trách nhiệm xem xét nghiệm thu của Bộ Công Thương và hiện có 30 dự án nộp hồ sơ. "Chúng tôi sẽ cố gắng để số dự án này được vận hành đúng tiến độ", ông Dũng nói.
Cũng theo EVN, tới đầu tháng 8, đã có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW vào vận hành thương mại.
Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Về đề xuất ngành điện giảm tiếp 10-30% để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn nặng nề vì Covid-19, tại họp báo, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, bộ này sẽ làm việc với EVN, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước - chủ sở hữu EVN, để tính toán và đưa ra phương án nếu có.
"Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang chịu tác động lớn hiện nay, chắn chắn sẽ không có chuyện tăng giá điện. Còn giảm thêm hay không sẽ cần tính toán và làm việc kỹ với các bên liên quan", ông nói.
Từ năm 2020 đến nay đã có 5 đợt giảm giá điện, tiền điện cho các đối tượng người dân, doanh nghiệp chịu tác động vì Covid-19, với tổng số tiền hơn 16.500 tỷ đồng.