Kỳ Đối thoại Shangri-La năm nay được đự đoán sẽ đầy sóng gió. Quan hệ Trung - Nhật đang rạn nứt, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni năm ngoái, và thậm chí là xa hơn, từ năm 2012, khi Nhật quốc hữu hóa chuỗi đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Quan hệ Trung - Việt cũng không khá hơn là bao, khi cuộc đối đầu xung quanh một giàn khoan Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Và quan hệ Trung - Mỹ mới đây xuống dốc sau thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 5 quan chức quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) với cáo buộc làm tin tặc và gián điệp kinh tế.
Trong bối cảnh này, quan chức khắp châu Á - Thái Bình Dương đến khách sạn Shangri-La ở Singapore để tham dự sự kiện thường niên dành cho các bộ trưởng quốc phòng, nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh. Đại diện phía Trung Quốc là ông Vương Quán Trung, Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA, và bà Phó Oánh, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc. Phía Mỹ có Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương. Việt Nam có Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có bài phát biểu quan trọng hôm 30/5.
Trận khẩu chiến mở đầu vào ngày 30/5, trước cả khi đối thoại chính thức khai mạc. Trong một phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, bà Phó Oánh không ngại ngần quở trách Nhật và Philippines vì hành vi của họ trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Theo Diplomat, bà Phó cáo buộc ông Abe tạo ra một "chuyện tưởng tượng" về việc Trung Quốc "là mối đe dọa đối với Nhật", và cho rằng Nhật dựa vào cái cớ này để thay đổi chính sách an ninh.
Bà Phó cũng cáo buộc Philippines làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila. Đề cập đến cuộc đối đầu quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham năm 2012, bà Phó nói Philippines "đơn phương thay đổi nguyên trạng", bằng cách cử "một tàu hải quân tới quấy rối ngư dân".
Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết cuộc gặp giữa ông Vương và Bộ trưởng Mỹ Hagel bị cắt ngắn do lịch trình dày đặc và chỉ kéo dài vỏn vẹn 20 phút. Theo quan chức này, dù ban đầu ông Vương tỏ ra chỉ trích Mỹ, nhưng nhìn chung cuộc thảo luận "thân tình và hợp tác", tập trung vào tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm qua, ông Vương giận dữ cáo buộc Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Hagel "tận dụng cơ hội được phát biểu trước tại diễn đàn để khiêu khích và thách thức Trung Quốc". Ông này cũng cho rằng đại diện từ Mỹ và Nhật thông đồng với nhau để công kích Trung Quốc và hành động này là "không thể tưởng tượng được".
"Trung Quốc chưa bao giờ gây rối trước, chúng tôi chỉ đáp trả sự khiêu khích từ các bên khác", ông Vương cố gắng bao biện cho hành vi hung hăng của nước này trên vùng biển khu vực, điều mà Mỹ và Nhật cùng lên án.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với bài phát biểu mở đầu cuộc khẩu chiến tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore. Ảnh: AFP
Các cuộc thảo luận tại Đối thoại Shangri-La cho thấy những căng thẳng hiện nay không chỉ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ. Đó là triệu chứng của một vấn đề ẩn sâu hơn, đó là cách khu vực sẽ điều chỉnh để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy, muốn giành vai trò lãnh đạo tương xứng với sức mạnh kinh tế và quân sự đang gia tăng.
Đối thoại Shangri-La được coi là một "chiến trường", nơi Trung Quốc và Nhật Bản truyền bá những tầm nhìn cạnh tranh nhau về châu Á - Thái Bình Dương. Đó là tư tưởng mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một khuôn khổ an ninh châu Á, được ông Vương thể hiện trong bài phát biểu. Đó cũng là nơi công bố tầm nhìn của ông Abe đối với an ninh châu Á, được đề cập trong diễn văn khai mạc.
Hai tầm nhìn này thể hiện những lựa chọn khác nhau đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và sau khi chính thức tuyên bố, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy, lôi kéo các nước láng giềng nghiêng về phía mình trong những tháng sắp tới.
Trọng Giáp