Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, trước thềm cuộc gọi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuộc điện đàm được yêu cầu bởi phía Mỹ.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, Lavrov cảnh báo người đồng cấp Mỹ rằng Moskva không chấp nhận mọi hành động làm suy yếu an ninh châu Âu - Đại Tây Dương. Ông chỉ trích Mỹ tìm cách khiêu khích khi liên tục tuyên truyền về nguy cơ chiến tranh bùng nổ ở biên giới Nga và Ukraine.
"Ngoại trưởng nhấn mạnh chiến dịch tuyên truyền của Mỹ và đồng minh về cái gọi là 'sự hung hăng của Nga' nhắm vào Ukraine mang mục tiêu khiêu khích, kích động chính phủ ở Kiev phá hoại các thỏa thuận Minsk và mưu tính giải quyết vấn đề Donbass bằng vũ lực", thông cáo nhắc đến khu vực phía đông Ukraine gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk, nơi bùng nổ phong trào ly khai vũ trang vào năm 2014.
Ngoại trưởng Nga đồng thời chỉ trích NATO và Washington phớt lờ đề xuất đảm bảo an ninh cho Nga, được công bố vào cuối năm ngoái. Danh sách đề xuất an ninh có yêu cầu NATO cam kết không kết nạp Ukraine và những nước từng thuộc Liên Xô. Moskva xem đây là những điều kiện tiên quyết để giảm căng thẳng và cải thiện tình hình an ninh châu Âu.
"Những phản hồi từ Washington và Brussels, về dự thảo hiệp ước Nga - Mỹ và dự thảo thỏa thuận với NATO về danh sách đảm bảo an ninh, đã làm ngơ nhiều điều mục mà phía Nga xem là then chốt. Trong số đó, nội dung quan trọng nhất là không mở rộng liên minh và không triển khai vũ khí có độ chính xác cao đến gần biên giới Nga", Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định trong cuộc điện đàm rằng các bên vẫn còn cơ hội giải quyết bất đồng bằng biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Moskva cần chủ động "giảm leo thang căng thẳng".
Blinken cảnh báo nếu Nga động binh, họ sẽ đối mặt "phản ứng xuyên Đại Tây Dương kiên quyết, mạnh mẽ và thống nhất".
Trước khi ngoại trưởng hai nước điện đàm, Blinken đã tuyên bố Nga có khả năng "tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào". Giới chức Mỹ thời gian qua cảnh báo Nga đã tập trung đủ 70% quân số và nguồn lực cần thiết cho kịch bản tiến đánh sang lãnh thổ láng giềng.
Từ tháng 11/2021, tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn khoảng 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine với kế hoạch tiến đánh, trong khi Nga gọi những cáo buộc này là "tin giả". Moskva nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine.
Ngoài ra, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Với ủng hộ từ Mỹ, Ukraine leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông sau nhiều năm giao tranh hạ nhiệt.
Xem thêm:
-Thế trận của Nga quanh Ukraine
-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Trung Nhân (Theo Reuters, Sputnik)