![]() |
Quang cảnh cảng hàng không Điện Biên Phủ. |
Sân bay Điện Biên đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế thứ tư của Việt Nam, không những để phục vụ các chuyến bay trong nước với tần suất ngày càng tăng, mà còn để phục vụ cho các chuyến bay quốc tế trong khu vực.
Hướng về miền Tây Bắc
Trong chiến lược phát triển đã được Chính phủ phê duyệt, những năm tới đây, Hàng không Việt Nam sẽ nâng cấp các tuyến bay trong nước hướng tới vùng Tây Bắc, trong đó có tuyến bay lên Lai Châu, nơi có Điện Biên Phủ lịch sử. Nhiều người dân đã bày tỏ sự vui mừng khi số chuyến bay hằng tuần từ Hà Nội lên Điện Biên cũng đã tăng từ 2 lên 4 chuyến và từ tháng 9 tới đây, mỗi tuần sẽ có 6 chuyến.
Khi Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất của cả khu vực Đông Nam Á, được triển khai xây dựng thì nhu cầu đi lại giữa Hà Nội và Điện Biên còn tăng lên cao hơn nữa. Theo tính toán, trước mắt, việc nâng cấp đường số 6 để phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La cũng đòi hỏi mỗi ngày phải có ít nhất một chuyến bay cho các sân bay Nà Sản (Sơn La) và Điện Biên (Lai Châu).
Theo thỏa thuận giữa nước ta và nước bạn Lào, hiện nay, mỗi tuần đã có 3 chuyến bay đi và về giữa sân bay Điện Biên Phủ và sân bay Luông-pha-băng. Tới đây, sẽ còn có các máy bay từ Thái Lan, Vân Nam (Trung Quốc) và các nước ASEAN hạ cánh xuống sân bay Điện Biên Phủ, góp phần làm gần gũi thêm nhịp sống của các dân tộc vùng Tây Bắc với các nước trong khu vực.
Điện Biên Phủ đã sẵn sàng
So với các cảng hàng không khác ở trong nước, Điện Biên Phủ không phải không có những khó khăn. Là sân bay ở độ cao trung bình 480 m so với mặt biển, lại có bốn bề núi cao bao bọc, Điện Biên Phủ phải lựa chọn tiêu chuẩn cho máy bay cất và hạ cánh cao hơn. Nếu như tiêu chuẩn trần mây và tầm nhìn cho phép của sân bay Nội Bài là 100 m và 1.000 m thì những thông số đó đối với Điện Biên lại là 1.000 m và 6.000 m. Trong cái vạn sự khó khăn của thuở ban đầu để mở các đường bay quốc tế, Điện Biên Phủ còn đang thiếu thốn đủ mọi thứ, trong đó, thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách cũng chưa có những kênh pháp lý đầy đủ.
Về hạch toán, không chỉ có Vietnam Airlines thua lỗ trên các chuyến bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ, mà mọi khoản thu của Cảng hàng không Điện Biên Phủ cũng chỉ bằng nửa số chi hàng năm… Tuy vậy, Điện Biên Phủ vẫn lặng lẽ chọn lựa con đường đi cho riêng mình và chuẩn bị sẵn sàng cho các chuyến bay của thế kỷ. Tháng 11/2000, Cảng hàng không Điện Biên Phủ đã hoàn thành việc sửa chữa nhà ga sân bay với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Khu làm thủ tục tiễn khách đi và đón khách về đã được tách riêng. Phòng chờ của các chuyến bay trong và ngoài nước cũng được bố trí thành hai khu riêng biệt. Công tác kiểm tra an ninh đã được tăng cường bằng các thiết bị hiện đại không thua kém các sân bay khác trong nước. Nhà ga Điện Biên đã triển khai các dịch vụ phục vụ hành khách như dịch vụ bán vé, dịch vụ đổi tiền cho người nước ngoài, dịch vụ viễn thông…
Với quyết tâm “nối tuyến” với mọi vùng đất nước, Cảng hàng không Điện Biên Phủ đã triển khai việc bán vé cho hành khách đi tất cả các sân bay trong nước mà Vietnam Airlines có chuyến bay. Giám đốc Nguyễn Văn Nhuần cũng không quên tiết lộ, trước đó không lâu, đường băng của sân bay Điện Biên Phủ đã được đầu tư hơn 20 tỷ đồng để thay đường băng ghi thành đường băng bê tông có sức chịu tải tới 50 tấn. Trong tương lai không xa, sân bay Điện Biên Phủ sẽ xây dựng thêm một đường băng nữa để đáp ứng nhu cầu của việc tăng thêm các chuyến bay trong nước và quốc tế.
SGGP, 21/5