Bài viết trên RT hôm 27/8 cho biết "không quân Nga sẽ sẵn sàng đón nhận những mẫu tiêm kích tàng hình đầu tiên vào biên chế trong năm 2016", đồng thời thêm rằng tất cả vũ khí và những đổi mới về công nghệ, kỹ thuật dành riêng cho T-50 sẽ hoàn thiện vào năm 2020. Trong 12 mẫu tên lửa trang bị cho máy bay, một số có khả năng đạt vận tốc siêu thanh và hầu hết được thiết kế nằm gọn trong khoang để không gây ảnh hưởng đến chức năng tàng hình.
Chuyên gia phương Tây cho rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 T-50 sẽ sở hữu uy lực lớn và là sự bổ sung quan trọng cho không quân Nga.
"Các phân tích về PAK-FA mà tôi từng đọc qua chỉ ra rằng chúng có thiết kế khá tinh vi, ít nhất là ngang bằng với chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ. Một số còn nhận định nó vượt trội máy bay Mỹ", ông Dave Deptula, cựu giám đốc tình báo không quân Mỹ, cho hay. "Nó chắc chắn có ưu thế về độ nhanh nhẹn với sự kết hợp của hệ thống điều chỉnh vector đẩy, tất cả bề mặt đuôi chuyển động và thiết kế khí động học tuyệt vời".
Những người am hiểu về chiếc máy bay cũng dự đoán T-50 sẽ trở thành một trong những mẫu chiến đấu cơ tốt nhất.
T-50 "ắt hẳn là muốn cạnh tranh với Raptor", một quan chức quân sự hàng đầu nhiều kinh nghiệm về chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ, nhận xét. Song, áp lực kinh tế và thách thức công nghệ dường như là những vấn đề đang kìm chân kế hoạch phát triển mẫu tiêm kích này, theo National Interest.
Áp lực tài chính
Theo bình luận viên Harry J. Kazianis, không thể phủ nhận T-50 là mẫu tiêm kích giàu tiềm năng của Nga nhưng thách thức lớn nhất của nó lại nằm ở chi phí, cũng giống vấn đề mà chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 hay F-22 của Mỹ gặp phải.
Thứ trưởng Quốc phòng Yuri Borisov hồi tháng ba cho biết, với điều kiện kinh tế Nga hiện nay, có khả năng kế hoạch mua T-50 ban đầu sẽ phải điều chỉnh. Ông cũng nhấn mạnh T-50 nên được xem xét hoãn triển khai để dành mọi nguồn lực phát triển các mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4+. Borisov đang nhắc tới mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm nhưng không thể tàng hình của Nga là Su-30 và Su-35. Theo ông, các máy bay này sẽ lấp đầy khoảng trống tạo ra từ việc cắt giảm T-50.
Trên lý thuyết, T-50 sẽ giữ vai trò là át chủ bài của Nga chống lại tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ. Bề ngoài, chiến đấu cơ này khá mạnh mẽ. Nó lớn, nhanh và có tầm hoạt động rộng. T-50 cũng thể hiện được tính ổn định và cơ động tại các cuộc triển lãm hàng không.
Tuy nhiên, Nga đã cắt giảm đơn đặt hàng T-50 từ trên 50 chiếc xuống còn 12 chiếc. Giới phân tích suy đoán việc kinh tế đang gặp khó khăn trước lệnh trừng phạt của phương Tây kết hợp với giá dầu sụt giảm là nguyên nhân khiến Moscow đưa ra quyết định trên.
Chi phí phát triển T-50 hiện vẫn còn là bí mật. Các nhà phần tích suy đoán con số dao động trong khoảng từ 10 - 30 tỷ USD. Ấn Độ, đối tác của Nga, cũng bỏ ra gần 5 tỷ USD cho dự án nhưng dường như mẫu chiến đấu cơ này vẫn tồn tại nhiều vấn đề về kỹ thuật.
Thách thức công nghệ
Theo một đơn vị thuộc tập đoàn công nghệ Rostec của Nga, T-50 sẽ trang bị hệ thống phòng thủ tối tân, đủ sức khắc chế khả năng tàng hình của máy bay đối phương. Ngoài ra, hệ thống điện tử hiện đại sẽ giúp nó không bị phát hiện bởi hầu hết các loại radar hay công nghệ quang học và hồng ngoại khác.
T-50 "ở một mức độ nào đó giống như một robbot bay, nơi phi công không chỉ thực hiện vai trò của một người điều khiển mà thực chất trở thành một bộ phận của máy bay", ông Vladimir Mikheyev, phó tổng giám đốc Công ty Công nghệ Radio - Điện tử (KRET) của Nga, nói.
KRET đang xây dựng cho T-50 một hệ thống định vị nội bộ tiên tiến, có thể tự động xử lý thông tin điều hướng và hành trình bay. Cơ chế này cũng xác định được vị trí máy bay và các thông số chuyển động trong tình huống không có định vị vệ tinh.
Dù vậy, một số chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng thực sự của T-50, đặc biệt là khi chiếc máy bay này từng thất bại trong một cuộc thử nghiệm.
Tháng 6 năm ngoái, động cơ của một chiếc T-50 bốc cháy trong quá trình bay thử ở phi trường Zhukovsky gần thủ đô Moscow. Các quan chức Nga nói thiệt hại không đáng kể nhưng những bức ảnh cho thấy phần thân phi cơ cháy đen bởi ngọn lửa lớn.
"Điều khiến người ta cảm thấy hoài nghi hơn đó là việc Nga từ chối chia sẻ thông tin liên quan đến thất bại này. Thậm chí, một nhóm thẩm định kỹ thuật của không quân Ấn Độ có mặt tại hiện trường còn không được phép kiểm tra chiếc máy bay hư hại", Defense News dẫn lời Monika Chansoria từ Trung tâm nghiên cứu Chiến tranh trên bộ, trụ sở ở New Delhi, nói.
Indian Business Standard dẫn một bản báo cáo của không quân Ấn Độ đưa ra hồi tháng 12/2013 cho hay động cơ AL-41F1 mà T-50 sử dụng không đủ mạnh. Một tháng sau, tờ báo này tiếp tục hé lộ một tin xấu khác. Ấn Độ muốn tham gia nhiều hơn vào dự án phát triển T-50 nhưng động cơ máy bay vẫn chưa được như mong muốn và chi phí thì vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, radar của máy bay "không hợp lý", đồng thời tính năng tàng hình còn chưa hoàn thiện. Thay vì đề xuất giải pháp cho các điểm yếu trên, tất cả những gì Nga đưa ra tính đến đầu năm 2015 vẫn là những lời xin lỗi và hứa hẹn.
Xét về khả năng cảm biến và hợp nhất thông tin cũng như tính ưu việt của hệ thống điện tử, ông Deptula cho rằng F-22 hay F-35 của Mỹ và đồng minh vẫn dẫn đầu, T-50 chưa thể sánh kịp chúng về mặt này.
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, T-50 có nhiều điểm tương đồng với mẫu Boeing F/A F/A-18E/F Super Hornet hay F-16E/F Block 60 hơn là F-22 hay F-35. "Một số người cho rằng PAK-FA là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 nhưng theo tôi nó chỉ thuộc thế hệ 4,5 nếu xét theo tiêu chuẩn của Mỹ", ông này nói.
Ông Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga (ACT), nhận định điểm yếu của T-50 nằm ở động cơ. Các máy bay tương tự của phương Tây hoạt động kinh tế và thân thiện với môi trường hơn. Mặt khác, động cơ xả ít khói hơn và tiếng ồn cũng nhỏ hơn khiến máy bay ít bị phát hiện.
Những mẫu thử T-50 hiện chạy bằng động cơ của các máy bay thế hệ cũ. Động cơ mới dùng riêng cho T-50 đang được phát triển nhưng gặp phải khá nhiều khó khăn.
Vũ Hoàng