Ngành lấy điểm sàn cao nhất là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt với 22,5 điểm. Mức này cao hơn mức sàn hai năm qua 0,5 điểm, bao gồm tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên và không nhân hệ số.
Hai ngành Y học cổ truyền và Dược học có điểm sàn thấp hơn một chút, ở mức 21. Các ngành khác thuộc nhóm ngành sức khỏe có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 19 điểm, gồm Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng. Các mức này bằng hai năm qua.
Các trường đại học có tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe không được phép đưa ra điểm sàn thấp hơn các mức nói trên.
Việc quy định mức điểm sàn chung với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện 5 năm qua nhằm nâng cao chất lượng đầu vào.
Từ khi có quy định này, điểm trúng tuyển vào các trường Y Dược được thu hẹp lại. Đặc biệt, điểm chuẩn vào khối ngành đào tạo sức khỏe ở các trường tư thục tăng đáng kể so với giai đoạn trước.
Như tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, điểm chuẩn ngành Y khoa năm 2018, thời điểm chưa có quy định chung của Bộ, là 18. Đến năm 2019, lần đầu Bộ đưa ra điểm sàn chung cho khối ngành sức khỏe, trường này lấy điểm chuẩn cao lên mức 21.
Với các trường top đầu như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM, ngưỡng sàn với một số ngành như Y khoa hay Răng - Hàm - Mặt không quá nhiều ý nghĩa bởi điểm trúng tuyển luôn cao hơn nhiều. Chẳng hạn năm ngoái Đại học Y Hà Nội lấy 28,15 điểm ngành Y khoa, cao hơn sàn 6,15 điểm.
Dựa vào điểm sàn các trường công bố và điểm chuẩn các trường năm ngoái cũng như một số dự báo trong năm nay, thí sinh tiếp tục đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng đến 17h ngày 30/7.
Các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 22/8.