Theo quyết định được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trưa 17/9, điểm sàn vào các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên trình độ đại học là 18,5. Riêng đối với Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật lấy 17,5. Điểm sàn các ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 16,5.
Năm ngoái, trình độ đại học sư phạm lấy điểm sàn 18, cao đẳng 16 và trung cấp 14, thấp hơn năm nay 0,5-2,5 điểm.
Đây là mức điểm đối với thí sinh ở khu vực 3 không nhân hệ số của tất cả tổ hợp xét tuyển. Các trường có ngành đào tạo giáo viên, sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 không được lấy điểm chuẩn dưới sàn.
Ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, đánh giá mức điểm sàn này hợp lý vì điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm ngoái. "Đối với đào tạo sư phạm, yêu cầu đầu tiên là đảm bảo chất lượng nhưng cũng cần cân đối với nhu cầu sử dụng của địa phương. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông, nếu chúng ta không đào tạo từ bây giờ, 4 năm sau sẽ không đủ giáo viên", ông nói.
2020 là năm thứ ba liên tiếp Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn với tất cả ngành, trừ sư phạm và sức khỏe. Quy định này xuất phát từ thực tế tuyển sinh năm 2017, nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn thấp, chỉ bằng mức sàn chung là 15,5, thậm chí có trường chỉ đặt ra ngưỡng 3 điểm mỗi môn.
Năm nay lần đầu tiên trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT bị lùi một tháng rưỡi và chia làm hai đợt do ảnh hưởng của Covid-19. Hơn 880.000 thí sinh thi đợt một ngày 9-10/8. 26.000 thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi ở Quảng Nam, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) và thí sinh F0, F1, F2 dự thi đợt hai ngày 3-4/9. Kết quả bài thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời là căn cứ tuyển sinh đại học.
Sau khi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ 19/9 đến 17h ngày 25/9 theo phương thức trực tuyến và đến 17h ngày 27/9 bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Trường đại học sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt một trước 17h ngày 5/10.
Thanh Hằng