Tại TP HCM, mức sàn 20 điểm áp dụng cho các ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh thương mại, Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Ngôn ngữ Anh, Luật, chương trình Cử nhân tài năng - Ngành Quản trị kinh doanh.
Mức 18 điểm áp dụng cho các ngành: Bảo hiểm, Tài chính quốc tế, Toán kinh tế, Thống kê kinh tế, Hệ thống thông tin quản lý, Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Quản lý công, chuyên ngành Quản trị bệnh viện.
Tại phân hiệu Vĩnh Long, mức sàn 16 điểm cho các chuyên ngành: Kinh tế và Kinh doanh nông nghiệp (ngành Kinh tế), Quản trị (ngành Quản trị kinh doanh), ngành Kinh doanh quốc tế, chuyên ngành Ngân hàng (ngành Tài chính - Ngân hàng), chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp (ngành Kế toán), chuyên ngành Thương mại điện tử (ngành Hệ thống thông tin quản lý).
Điểm sàn xét tuyển là mức điểm dành cho thí sinh THPT, khu vực 3, không nhân hệ số, cho các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi, bài thi tương ứng từng ngành, chuyên ngành, chương trình. Các môn thi, bài thi phải trên 1 điểm theo thang điểm 10.
Mức điểm chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1, giữa hai khu vực kế tiếp nhau là 0,25 theo thang điểm 10.
Năm nay, trường tuyển 5.250 chỉ tiêu cho 20 ngành và một chuyên ngành chương trình cử nhân đại trà và chất lượng cao; 250 chỉ tiêu chương trình cử nhân tài năng, giảng dạy bằng tiếng Anh. Phân hiệu tại Vĩnh Long tuyển sinh 300 chỉ tiêu cho 6 ngành, chuyên ngành.
Trường sử dụng 5 phương án tuyển sinh: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chiếm 1%; xét tuyển học sinh giỏi 30-40%; xét tuyển quá trình học tập 20-30%; xét điểm thi đánh giá năng lực 20%; chỉ tiêu còn lại là xét dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.