Tại trường Đại học Giao thông vận tải cơ sở Hà Nội, bốn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật ôtô lấy điểm sàn cao nhất - 22 điểm. Đây cũng là những ngành lấy điểm chuẩn cao nhất trong nhiều năm qua.
Một số ngành xét hồ sơ từ 17 điểm như Hệ thống giao thông thông minh, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông...
Tại phân hiệu TP HCM, điểm sàn Đại học Giao thông vận tải thấp hơn, ở mức 16-21. Ngành duy nhất xét hồ sơ từ 16 điểm là Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Ngoài ra, Đại học Giao thông vận tải cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là 50/100. Ngưỡng này chỉ áp dụng cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào một số ngành đào tạo tại Hà Nội.
Năm 2023, Đại học Giao thông vận tải tuyển 5.860 chỉ tiêu bằng 5 phương thức như xét tuyển thẳng, xét điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, xét học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Hôm 24/6, trường đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ với mức cao nhất là 27,98, ngành Công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao Việt - Anh. Nhiều ngành khác có điểm chuẩn trên 27 như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Kinh tế, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử - viễn thông.
Dù xét tuyển bằng phương thức nào, thí sinh vẫn phải đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến 17h ngày 30/7, không giới hạn số lần. Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường bắt đầu quy trình xét tuyển và xử lý nguyện vọng đại học từ ngày 12 đến 20/8, qua đó xác định nguyện vọng cao nhất thí sinh trúng tuyển.