Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố thông tin chiến sự gần như hàng ngày, hàng loạt video cũng được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hiệu quả của vũ khí phương Tây trong tay lực lượng Ukraine. Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Anh cũng thường xuyên cập nhật diễn biến chiến trường.
Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ lại không nắm được nhiều thông tin về hoạt động tác chiến của quân đội Ukraine, đến mức họ hiểu tình hình lực lượng Nga còn rõ hơn, các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ tiết lộ.
Giới chức chính phủ thường giữ kín nhiều thông tin với công chúng để bảo đảm bí mật tác chiến. Tuy nhiên, việc Ukraine không tiết lộ nhiều thông tin chiến trường với cả tình báo Mỹ có thể gây nhiều khó khăn khi chính quyền Tổng thống Joe Biden lên kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine.
Giới chức Mỹ cho biết chính phủ Ukraine chỉ cung cấp lượng nhỏ báo cáo mật và chi tiết về kế hoạch tác chiến, nhiều quan chức ở Kiev cũng thừa nhận họ không chia sẻ toàn bộ thông tin cho Washington.
Tình báo Mỹ luôn tìm cách thu thập thông tin về mọi quốc gia, trong đó có Ukraine. Dù vậy, nỗ lực này chủ yếu tập trung vào các đối thủ như Nga, trong khi những đối tác như Ukraine được ưu tiên hỗ trợ xây dựng năng lực tình báo. Kết quả là Mỹ phải đối mặt với hàng loạt điểm mù tình báo tại Ukraine khi xung đột nổ ra.
"Thực sự chúng ta biết được gì về tình hình phía Ukraine? Liệu các vị có thể tìm được người nắm chắc thương vong và thiệt hại khí tài của Ukraine?", Beth Sanner, cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, đặt câu hỏi.
Trong cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 5, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines thừa nhận "rất khó xác định" Ukraine có thể tiếp nhận thêm bao nhiêu gói viện trợ quân sự. "Chúng tôi nắm được nhiều thông tin về phía Nga hơn là Ukraine", bà nói.
Một câu hỏi lớn mà tình báo Mỹ đang đối mặt là ý định chiến lược của Tổng thống Zelensky ở vùng Donbass. Ukraine đang đứng trước lựa chọn mang tính bước ngoặt: rút quân hay cố thủ và chấp nhận nguy cơ bị lực lượng Nga bao vây, nhưng Washington không rõ Kiev sẽ ra quyết định theo hướng nào.
Mây mù cũng hạn chế đáng kể năng lực vệ tinh, khiến tình báo Mỹ khó thu thập dữ liệu tình báo về Ukraine trên thực địa.
Washington cung cấp cho Kiev dữ liệu tình báo gần như theo thời gian thực về vị trí của lực lượng Nga, giúp quân đội Ukraine lên kế hoạch tập kích và củng cố vị trí phòng ngự.
Tuy nhiên, ngay cả trong những cuộc họp cấp cao với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley, giới chức Ukraine chỉ chia sẻ mục tiêu chiến lược của họ, thay vì thông tin chi tiết về kế hoạch tác chiến tại thực địa.
Tình trạng này buộc quân đội và tình báo Mỹ phải tìm hiểu tình hình thông qua những quốc gia có mạng lưới tình báo ở Ukraine, cũng như quá trình huấn luyện với binh sĩ Ukraine và các phát biểu công khai của ông Zelensky.
Các quan chức Mỹ nói rằng Ukraine đang muốn thể hiện hình ảnh mạnh mẽ với công chúng và đối tác phương Tây. Kiev không muốn chia sẻ những thông tin có thể khiến phương Tây cho rằng họ đang giảm quyết tâm hay có thể thất bại. "Về cơ bản, giới chức Ukraine không muốn tiết lộ những thông tin tiêu cực có thể khiến Mỹ và đối tác hạn chế dòng viện trợ vũ khí cho họ", một quan chức Mỹ giấu tên nhận định.
Stephen Biddle, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia ở Mỹ, cho rằng Ukraine có lý do chính đáng để giấu thông tin tình báo.
"Việc Ukraine công khai thiệt hại trên chiến trường có thể mang lại lợi ích cho Nga, đồng thời gây bất lợi cho Washington hay Kiev. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tình báo Mỹ không thể hiểu rõ tình hình từ cả hai phía", ông nói.
Tình trạng này có thể đẩy tình báo Mỹ vào tình thế không cung cấp được cho Tổng thống Biden và các lãnh đạo quân đội bức tranh toàn cảnh về triển vọng quân sự của Ukraine. "Nếu Nga tiếp tục tiến quân, trong khi thực trạng quân đội Ukraine vẫn mờ mịt, cộng đồng tình báo Mỹ có thể bị cáo buộc không cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà hoạch định chính sách", Sanner cảnh báo.
Vũ Anh (Theo NY Times)