Với thang điểm 30, ngành Truyền thông đa phương tiện tổ hợp C15 (Toán, Văn, Khoa học xã hội) lấy đầu vào cao nhất - 28,6, kế đó Báo Truyền hình 28 tại tổ hợp R16 (Ngữ văn, Điểm xét ngành báo chí, Khoa học xã hội).
Các ngành thuộc khối lý luận như Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Chính trị học... có điểm chuẩn thấp hơn, chỉ từ 17,25, phổ biến 22-23. Điểm xét tuyển cho những ngành thuộc nhóm này là tổng điểm ba môn cùng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.
Xét những ngành lấy điểm chuẩn thang 40, chuyên ngành Quan hệ công chúng chuyên nghiệp (ngành Quan hệ công chúng) lấy 38,07 tại hai tổ hợp D78 (Tiếng Anh, Ngữ văn, Khoa học xã hội), R26 (Chứng chỉ tiếng Anh quy đổi, Ngữ văn, Khoa học xã hội).
Điểm xét tuyển các ngành thang 40 = (Điểm môn chính x 2 + điểm môn 2 + điểm môn 3) + điểm ưu tiên x 4/3.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển gần 2.000 thí sinh theo ba phương thức xét học bạ, xét tuyển kết hợp và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Vì dịch bệnh, trường phải hủy kỳ thi năng khiếu báo chí dành cho khối nghiệp vụ.
Thay vào đó, đầu điểm dành cho thi năng khiếu được thay bằng "điểm xét ngành báo chí", được tính bằng trung bình cộng mọi môn thi tốt nghiệp THPT mà thí sinh tham dự, không nhân hệ số.
Năm ngoái, điểm chuẩn của Học viện Báo chí và Tuyên truyền dao động 16-36,75, cao nhất là Truyền thông Marketing.
>>Xem điểm chuẩn các trường khác
Thanh Hằng