Đại học Tây Nguyên (Đăk Lăk) lấy điểm chuẩn cao nhất ở nhóm ngành sức khoẻ: Y khoa 26,15 (tăng 3,15 so với năm ngoái); Kỹ thuật xét nghiệm y học 21,5 và nhóm ngành sư phạm 18,5. Hầu hết ngành còn lại đều lấy ngưỡng 15-16. Nhìn chung, mặt bằng điểm chuẩn tăng 1-3 điểm so với năm ngoái.
Đại học Tây Nguyên có 3.582 chỉ tiêu ở 34 ngành đào tạo. Trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập THPT (học bạ).
Trước đó, với phương thức xét học bạ, ngành Y khoa có điểm chuẩn xét học bạ cao nhất 29, tiếp theo là Kỹ thuật xét nghiệm 27, Điều dưỡng 26. Nhóm ngành đào tạo giáo viên lấy điểm chuẩn 23 với yêu cầu thí sinh có học lực lớp 12 đạt loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Tương tự, Đại học Quy Nhơn lấy ngưỡng cao nhất 18,5 với tất cả ngành sư phạm, cao nhất ngành Giáo dục tiểu học 19,5. Các ngành còn lại lấy mức 15. Điểm chuẩn ở trường này năm nay cao hơn 0,5-1 điểm so với năm ngoái.
Đại học Quy Nhơn tuyển hơn 6.200 sinh viên cho khoá mới, trong đó hơn 2.000 chỉ tiêu cho ngành sư phạm với hai phương thức xét tuyển chính: xét kết quả học tập THPT và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Khánh Hoà có điểm chuẩn tăng 0,5-3 điểm ở nhiều ngành. Điểm cao nhất ở các ngành sư phạm 18,5. Các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội lấy điểm chuẩn thấp nhất 15.
Năm nay, trường tuyển 780 chỉ tiêu bằng cách xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM