Trường Đại học Ngoại thương nhận xét về cơ bản điểm chuẩn các phương thức ổn định so với năm ngoái.
Ngành Ngôn ngữ Trung, tổ hợp D01 (Văn, Toán, tiếng Anh) lấy điểm chuẩn cao nhất - 28,5, trung bình 9,5 điểm một môn mới đỗ. Mức này cao hơn năm ngoái 0,35 điểm trung bình một môn.
Ngành Kinh tế, tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) ở trụ sở Hà Nội lấy điểm chuẩn 28,3, cao thứ hai năm nay, kế đó Kinh tế quốc tế 28. Hai ngành này giảm nhẹ 0,1-0,2 điểm so với năm ngoái.
Các ngành còn lại phổ biến mức 27. Ngôn ngữ Pháp thấp nhất - 26,2 điểm, trung bình 8,7 điểm mỗi môn, bằng năm ngoái.
Điểm chuẩn các ngành của Đại học Ngoại thương (FTU) năm 2023 như sau:
Năm nay, trường Đại học Ngoại thương tuyển 4.100 sinh viên cho ba cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh, tăng 50 so với năm ngoái.
Hồi giữa tháng 6, trường Đại học Ngoại thương đã công bố điểm chuẩn cho ba phương thức xét tuyển sớm, gồm xét học bạ kết hợp giải học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế và sử dụng điểm đánh giá năng lực. Trong đó, ngưỡng trúng tuyển cao nhất là 30, áp dụng với chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trụ sở Hà Nội.
Học phí dự kiến năm học 2023-2024 với chương trình đại trà là 25 triệu đồng, học phí với chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu, chương trình tiên tiến 60-70 triệu đồng.
Năm 2022, điểm chuẩn từ điểm thi tốt nghiệp THPT của trường Đại học Ngoại thương cao nhất 28,4 với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) tại nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế tại trụ sở Hà Nội. Các ngành còn lại cũng lấy không dưới 27,5 điểm. Với các tổ hợp còn lại, điểm chuẩn thấp hơn ngưỡng này 0,5.
Các ngành Ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nhật xét tuyển bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) lấy điểm từ 35 đến 36,6 trên thang 40, tiếng Anh nhân hệ số hai. Điểm chuẩn vào những ngành này bằng tổ hợp khác ít hơn 1 điểm.
Xem điểm chuẩn các đại học khác
Thanh Hằng