Theo Nikkei, hãng gọi xe Didi nộp đơn xin IPO với tên chính thức Xiaoju Kuaizhi có thể được định giá từ 70 tỷ đến 100 tỷ USD. Theo kế hoạch, Didi muốn chào bán cổ phiếu trên sàn Nasdaq hoặc NYSE với mã DIDI.
Được thành lập năm 2012 bởi Cheng Wei và Jean Liu, Didi hoạt động tại 15 quốc gia và phục vụ hơn 493 triệu người dùng. Cheng hiện là Giám đốc điều hành của Didi, trong khi Liu, con gái của người sáng lập Tập đoàn Lenovo giữ chức chủ tịch.
Công ty vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường gọi xe ở Trung Quốc sau khi mua lại mảng hoạt động của đối thủ chính - Uber vào năm 2016. Tại thị trường này, Didi hiện có 377 triệu người dùng và 13 triệu tài xế hoạt động hàng năm.
SoftBank Group là cổ đông hàng đầu của Didi, với 21,5% cổ phần thông qua Quỹ Tầm nhìn. Gã khổng lồ viễn thông được cho là đã đầu tư gần 11 tỷ USD vào hãng gọi xe này. Nguồn vốn này thúc đẩy sự mở rộng của Didi trên toàn thế giới, cũng như phát triển các lĩnh vực mới như xe tự lái và giao hàng tạp hóa. SoftBank có thể thu về hàng tỷ đôla lợi nhuận nếu Didi đạt được mức định giá mục tiêu.
Sau khi bán các hoạt động tại Trung Quốc cho Didi, Uber nắm giữ 12,8% cổ phần của hãng gọi xe này. Nhờ đó, Uber hiện là cổ đông lớn thứ hai của Didi. Tencent Holdings cũng sở hữu 6,8% cổ phần tại Didi.
Năm 2016, Apple đã đầu tư 1 tỷ USD vào Didi như một phần của mối quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, nhà sản xuất iPhone không được liệt kê là cổ đông chính trong hồ sơ xin IPO của Didi.
Do đại dịch, Didi cho biết lỗ 1,6 tỷ USD năm ngoái. Tuy nhiên, hãng đã có lãi trở lại năm nay khi đạt lợi nhuận 837 triệu USD trong quý đầu tiên với doanh thu 6,4 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là động lực, đóng nguồn thu chủ yếu của Didi, trong khi thị trường nước ngoài chỉ chiếm 1,6% tổng doanh thu. Dù vậy, Didi đã đầu tư rất nhiều để mở rộng ra quốc tế, trong đó có ra mắt dịch vụ giao đồ ăn tại Nhật Bản vào tháng 4/2020. Didi hiện là nền tảng gọi xe lớn thứ hai ở Mỹ Latinh.
Tú Anh (theo Nikkei)