Dữ liệu của Bloomberg thống kê, các công ty từ đại lục Trung Quốc và Hong Kong đã huy động được 6,6 tỷ USD qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ trong đầu năm nay. Đây là sự khởi đầu sôi động với giá trị huy động tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đợt IPO lớn nhất vào đầu năm nay là của nhà sản xuất thuốc lá điện tử RLX Technology (1,6 tỷ USD) và tiếp theo là của công ty phần mềm Tuya (947 triệu USD).
Năm nay, hãng gọi xe Didi Chuxing đã bí mật đệ trình IPO với mức định giá doanh nghiệp lên đến 100 tỷ USD. Nguồn tin thân cận cho biết, startup này cũng đang nghiên cứu việc niêm yết ở Mỹ để huy động khoảng 2 tỷ USD trong năm nay.
Xu hướng này diễn ra dù căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và mối đe dọa doanh nghiệp Trung Quốc bị các sàn giao dịch Mỹ huỷ niêm yết vẫn còn.
Vào tháng trước, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ cho biết, họ sẽ bắt đầu thực hiện đạo luật buộc các hãng kế toán để cơ quan quản lý Mỹ xem xét các cuộc kiểm toán tài chính tại doanh nghiệp nước ngoài. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến doanh nghiệp bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq. Rủi ro bị đá khỏi sàn giao dịch Mỹ với doanh nghiệp Trung Quốc là rất cao do nước này từ lâu đã từ chối yêu cầu của cơ quan quản lý của Mỹ.
Stephanie Tang, một quản lý cấp cao tại Công ty luật Hogan Lovells cho biết: "Họ thừa nhận đây là một rủi ro tiềm ẩn và phải có kế hoạch dự bị nếu điều không may đó xảy ra". Nhưng bản thân rủi ro này sẽ không khiến họ thôi nghĩ đến chuyện niêm yết ở Mỹ, ít nhất là trong nửa cuối năm nay hoặc có thể là sang năm sau.
Giá trị các đợt IPO của doanh nghiệp Trung Quốc tại các sàn Mỹ đến hết năm 2021 khả năng sẽ vượt quá con số 15 tỷ USD vào năm ngoái. Con số huy động vào năm ngoái cũng là mức cao nhất trong 6 năm gần đây, chỉ xếp sau năm 2014 do có đợt IPO 25 tỷ USD của Alibaba.
Tang nói: "Mỹ vẫn là một thỏi nam châm thu hút các đợt IPO của các công ty công nghệ Trung Quốc". Thị trường vốn của Mỹ từ lâu đã thu hút các công ty Trung Quốc vì nhiều lý do, một trong số đó là tính thanh khoản cao hơn. Các công ty công nghệ và fintech đổ xô đến Mỹ vì quy trình hợp lý hơn cũng như sự cởi mở hơn đối với các doanh nghiệp đang thua lỗ.
Tường An (theo Bloomberg)