"Jamanchu" là một từ lóng phổ biến của Hàn Quốc có nghĩa là "tìm kiếm những cuộc gặp gỡ tự nhiên". Đó là một viễn cảnh lãng mạn về việc gặp được "nửa kia" ở quán cà phê, hoặc trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc tràn ngập những cảnh này nhưng trên thực tế, jamanchu chỉ là mơ ước.
Aiden Jeon, 29 tuổi, về nước cách đây hai năm, đã từ bỏ jamanchu khi nhận ra thực tế của cuộc sống ở Seoul. Giờ đây, anh chọn hẹn hò sắp đặt. "Bởi vì làm việc ở Seoul, tôi nhận ra không dễ dàng để có thời gian gặp gỡ làm quen. Tôi đi làm từ 7h sáng và về nhà lúc 8h tối, chỉ đủ thời gian ăn một bữa tối hay tập gym", chàng trai nói.
Tỷ lệ kết hôn đang giảm ở Hàn Quốc. Nhiều người không muốn hẹn hò, nhưng ngay cả những người muốn cũng khó tìm được đối tác. Lối sống tham công tiếc việc với truyền thống Nho giáo nghe lời bề trên là lý do phổ biến cho việc ra đời các dịch vụ xem mặt. Một số người lên lịch ít nhất hai cuộc gặp mỗi tháng.
"Về cơ bản có 3 cách dẫn đến một cuộc hẹn hò qua giới thiệu ở Hàn Quốc, đầu tiên do người quen sắp xếp, thứ hai qua dịch vụ mai mối hoặc thứ ba qua ứng dụng hẹn hò", Kim Ri-na, có kinh nghiệm 10 năm làm trong một công ty mai mối, nói.
Ban đầu Jeon tham gia một app hẹn hò nhưng không có kết quả nên chuyển sang hình thức xem mặt. Anh được người quen lên lịch cho 10 buổi trong 4 tháng. "Có người không thể tìm được người yêu sau cả 100 lần xem mặt, tôi nghĩ có thể là mình. Ngay cả khi bạn bè giới thiệu đối tác rất tiềm năng, mà mọi thứ không như tưởng tượng", anh chia sẻ.
Gần đây anh quyết định chuyển hướng, bằng việc tải xuống app hẹn hò nổi tiếng SKY People - nơi chỉ người có bằng cấp đại học trở lên mới được đăng ký. App này đã dẫn Jeon đến bạn gái hiện tại sau vài tháng tham gia và giờ hai người đang tính chuyện đính hôn.
Người Hàn Quốc ngày nay quá bận rộn và sống trong môi trường cạnh tranh gay gắt nên đã chán mối quan hệ có thể chẳng đi đến đâu. "Đó là lý do tại sao những người ở tuổi 20 và 30 muốn gặp gỡ và được giới thiệu với những đối tác phù hợp nhất với họ", cô Kim nói.
Thực tế này giúp ngành công nghiệp mai mối bùng nổ. Thay vì phó mặc cho số phận và các thuật toán trong app hẹn hò, các công ty mai mối sẽ tìm ra những gì gần với hình mẫu lý tưởng nhất của một người, với các tiêu chí cơ bản là tuổi tác, ngoại hình, nghề nghiệp, học vấn và hoàn cảnh gia đình. Ngoài mất phí, các công ty này yêu cầu thành viên cung cấp tài liệu, gồm giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân và gia đình, cũng như giấy chứng nhận nghề nghiệp, học hành.
Cao cấp hơn cả hai app SKY People và Goldspoon, là công ty mai mối Noblesse Spring và Best Class. Tại Noblesse Spring, nam giới được kỳ vọng với các nghề bác sĩ, luật sư, CEO hoặc các nghề được đánh giá cao khác, nhưng không có yêu cầu này với phụ nữ.
"Mọi người luôn say mê tham gia vào việc mai mối cho những người khác. Trên thực tế, đã có những người môi giới hôn nhân ngay cả trong thời kỳ Joseon vài trăm năm trước", Lee Kyeong-eh, giám đốc của Noblesse Spring nói.
Best Class là một câu lạc bộ VIP trong ngành mai mối. Nó nằm trong khu phố giàu có của Gangnam giống như Noblesse Spring, song còn cao cấp hơn. "Chúng tôi cố gắng trung thực trong cách tiếp cận mai mối. Nếu khả năng săn bắt khiến bạn trở nên hấp dẫn trong thời kỳ đồ đá, thì khả năng kinh tế sẽ mang lại cho bạn lợi thế cạnh tranh ngày nay", Lee Kang-ho, giám đốc của Best Class nói.
Thành viên của Best Class bao gồm các diễn viên truyền hình nổi tiếng, vận động viên chuyên nghiệp và doanh nhân giàu có... 300 thành viên nam phải có thu nhập ít nhất 100 triệu won (gần 2 tỷ đồng) mỗi năm và gia đình có khối tài sản 2 tỷ won, hoặc điều hành tập đoàn 5 tỷ won. Với chi phí từ 2 triệu đến 100 triệu won, họ sẽ được ghép cặp với phụ nữ tham gia vào dịch vụ của công ty.
Một số nam giới muốn gia nhập phải cố gắng. "Có người năm ngoái nộp đơn không được duyệt vì tình trạng kinh tế. Năm nay anh ấy xuất hiện với chiếc siêu xe Ferrari", Lee nói.
Quy trình lựa chọn thành viên nữ theo cách khác. Họ được đánh giá dựa trên ngoại hình và tính cách. Thông thường chỉ 10% phụ nữ đăng ký được làm thành viên, chỉ một nửa số thành viên được vào giai đoạn sàng lọc trực tiếp, nơi có thời gian uống trà với một trong hai quản lý của Best Class. Sau giai đoạn này chỉ 1/5 người được chọn. Phụ nữ không mất phí tham gia, ngoài khoản cọc 100.000 won.
Thành viên nữ được dùng bữa trong những nhà hàng sang trọng, ở những khu nghỉ dưỡng đắt tiền và được chăm sóc tại các tiệm làm tóc cao cấp, được chăm sóc da và gặp bác sĩ phẫu thuật như một phần quyền lợi của hội viên, để họ có thể quen với những buổi hẹn hò sang trọng. Theo Lee, Best Class tìm thấy những phụ nữ này thông qua mối quan hệ cá nhân, mạng xã hội, thậm chí đôi khi quản lý đi trên phố Apgujeong ở Gangnam để tuyển những phụ nữ "10 trên 10".
Số lượng thành viên nữ chiếm 70%, còn nam giới 30%. Tuổi nam giới dao động từ 20 đến 50, còn nữ giới không quá 30. Đàn ông có thể nhìn thấy mặt cô gái mình chọn hẹn hò, riêng phụ nữ thì không được phép biết trước buổi hẹn.
Lee thừa nhận rằng quy trình của Best Class gây tranh cãi nhưng vẫn khẳng định hiệu quả và phản ánh mong muốn của những người đàn ông thành đạt và phụ nữ trẻ đẹp.
"Ban đầu có một số người nghĩ rằng chúng tôi đang môi giới phụ nữ cho những người đàn ông giàu có. Nhưng giờ đây nhận thức đã thay đổi. Cách chúng tôi thiết lập các buổi hẹn hò chỉ dành cho mộr tầng lớp nhất định, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho họ", Lee nói. Hiện mô hình của anh trở thành hình mẫu để các dịch vụ hẹn hò khác ăn theo.
Best Class cho biết đôi khi phải mất một tháng mới tổ chức được một cặp gặp nhau. Còn Noblesse Spring ước tính rằng tỷ lệ thành công của họ đạt gần 60%.
Bảo Nhiên (Theo Vice)