"Cái này tiện hơn nhiều. Trước Tết, lúc nào ngân hàng cũng dày đặc người. Với lại đi xa, nhất là bằng tàu, thì cầm tiền theo không phải lúc nào cũng an toàn". Mao Hui (27 tuổi) - một người dân Thượng Hải cho biết trên CNN.
Với dịch vụ này, người tặng có thể chuyển trực tiếp tiền mừng qua các ứng dụng phổ biến của 2 hãng, là WeChat của Tencent và Alipay của Alibaba. Người nhận cũng sẽ phải kết nối tài khoản ngân hàng của họ với ứng dụng để nhận quà. Việc này sẽ giúp Alibaba và Tencent có thêm lượng lớn người dùng mới.
Giới chuyên gia cho biết dịch vụ mới trở nên phổ biến do chúng khiến khách hàng cảm thấy vui nhộn. Trong hệ thống của Alibaba, người dùng có thể chơi xổ số để lấy tiền mặt hay phiếu mua hàng, sau đó sử dụng trên các website mua sắm của hãng. Còn người dùng WeChat có thể dùng ứng dụng để tặng tiền ngẫu nhiên cho một người bạn trong nhóm.
Hai công ty này đang ráo riết chạy đua giành thị phần. Năm ngoái, dịch vụ mới ra mắt của Tencent đã thu hút hàng triệu lượt dùng. Còn Alibaba cũng đang nhanh chóng đuổi kịp. "Với Alibaba, đây chủ yếu là động thái phòng thủ thôi", Nicole Peng tại hãng nghiên cứu Canalys cho biết. Nhưng dù vậy, nó cũng sẽ giúp đẩy mạnh hình ảnh của hãng trên mạng xã hội, khi người dùng bàn tán và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng.
Peng dự đoán năm nay, người Trung Quốc sẽ lì xì online nhiều hơn trong dịp Tết và nhiều sự kiện quan trọng khác. "Rất nhiều người Trung Quốc đang sống và làm việc xa gia đình. Vì thế, lì xì online sẽ giúp họ thực hiện việc này dễ dàng hơn", Peng cho biết.
Còn với Mao, dịch vụ trên đã giúp cô có thêm thời gian rảnh rỗi trong kỳ nghỉ lễ bận rộn. Vấn đề duy nhất là cô khó biếu được người già bằng cách này. "Họ chẳng dùng những thứ này bao giờ đâu", cô nói.
Hà Thu