"Nhận học thuê cả tuần, chép bài, kiểm tra đầy đủ, ai cần liên hệ...", "Học thuê lâu năm, giàu kinh nghiệm"..., những lời rao về bản thân để tìm việc như vậy xuất hiện ngày một nhiều trên Internet. Không chỉ cá nhân tự rao, trung tâm môi giới dịch vụ với slogan "dành cho người bận rộn" cũng được mở ra.
Nguyễn Thị Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội), nhận học thuê gần 2 năm nay cho một sinh viên văn bằng 2 thuộc trường đại học ở Giải Phóng. Quen biết khá nhiều bạn cùng làm thêm như mình nên vào những ngày bận đột xuất hoặc khi có ai nhờ tìm người học hộ, Huệ nhanh chóng huy động được "lính đánh thuê".
Tối nào, Huệ cũng đến lớp từ 6h đến 9h. "Năm ngoái, em chỉ quen vài anh chị làm giống em nhưng giờ nhiều lắm, có khách hỏi thì bọn em lại mách nhau", Huệ nói.
Dịch vụ học thuê được rao trên mạng Internet. |
Theo quản lý của một địa chỉ môi giới dịch vụ học thuê trên mạng, khách chỉ cần liên hệ trước 3-7 ngày là sẵn sàng có người "kế chân" trên các giảng đường. Vị này đảm bảo chất lượng công việc với lời hứa "chép bài, kiểm tra đầy đủ, trả điểm xong môn nào, lấy tiền môn đó, thanh toán qua trung tâm".
Hiện, giá dịch vụ này dao động từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng, tùy theo chuyên ngành, thời lượng học một buổi tối hay học cả ngày. Thậm chí, không ít người còn thanh toán theo chất lượng bài kiểm tra, như 60.000 đồng với yêu cầu điểm 5 trở lên, tăng một điểm sẽ thưởng thêm 50.000 đồng cho cả môn học...
Đối tượng khách hàng chính của dịch vụ này là sinh viên thuộc các lớp liên thông, văn bằng hai, cao học... và chủ yếu thuê trực tiếp từ cá nhân học thế. Các trung tâm nhận môi giới, tuyển người cho công việc làm thêm này tuy đã có song chưa nhiều.
Có nhiều lý do để Nguyễn Thị Huệ chọn làm thêm bằng cách này. Tối tối, cô chỉ cần lên lớp, ngồi ngoan, chép bài nếu có hoặc giở bài tập của mình ra làm là có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thêm đó, Huệ còn được học miễn phí không ít kiến thức về lĩnh vực kinh tế, tài chính - thứ mà theo Huệ là rất cần đối với một sinh viên chỉ chuyên ngành ngoại ngữ.
Trong khi đó, Minh Thư, nhận học thuê cho một sinh viên liên thông đại học ở khu vực Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng công việc này khá nhàn và ổn định. Mỗi tháng, Thư kiếm được gần một triệu đồng và không lo bị đuổi việc bởi "ai cũng sợ thầy cô phát hiện người lạ mặt nên chỉ cần em muốn thì cứ yên tâm học từ đầu chí cuối", Thư nói.
Theo Thư, có cầu ắt có cung, nhiều sinh viên cần thuê người học hộ nên dịch vụ này mới có "đất sống". Bởi với những quy định nghiêm ngặt trong thi cử như không được nghỉ quá 20%, phải đủ bài kiểm tra trên lớp..., nhiều người cần bằng, muốn tốt nghiệp mà không thích hoặc không thể thu xếp thời gian đến lớp đều sẽ tìm đến những người như cô.
Chị Tuyết (Trần Nhân Tông, Hà Nội), từng thuê người học hộ hồi cuối năm 2011. Khi đó vì sinh con, lại không muốn bảo lưu nên chị đành phải làm như vậy. Không ít bạn bè của chị cũng vì những lý do bất khả kháng mới phải nhờ người học hộ như công tác dài hạn, đi làm quá bận hay sức khỏe yếu... Trong khi đó, số tiền bỏ ra cho dịch vụ này không quá đắt đỏ nên nhiều người sẵn sàng lựa chọn.
Tuy nhiên, theo những người trực tiếp học thuê, việc làm thêm này cũng không hề đơn giản. Thư kể, lúc mới đầu chưa quen với tên mới, mỗi lần điểm danh, cô đều ngơ ngác một lúc rồi mới "dạ", khi kiểm tra thì phải ngó sang người ngồi cạnh chỉ để hỏi... tên lớp... Việc làm thêm cả tuần cũng khiến cô hạn chế đi chơi với bạn bè, thậm chí ngần ngại xin nghỉ mỗi khi bận đột xuất.
Nhưng điều khiến cô sợ nhất là bị lộ tẩy mạo danh, vài lần cô đã thót tim khi suýt bị phát hiện. "Tuy nhàn và kiếm được nhưng chỉ cần bị lộ diện là tương lai chẳng biết đi về đâu, thậm chí bị đuổi học nữa nên em cũng lo lắm", Thư tâm sự.
Trao đổi với VnExpress.net, một giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, học hộ, học thuê là trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để xảy ra tình trạng này là lỗi của cả sinh viên, người làm thêm và giáo viên. Trong trường hợp vi phạm, sinh viên đi thuê bắt buộc phải dừng thôi học, còn người học hộ được chuyển về cơ quan quản lý để xử phạt.
Theo cô, học là tự nguyên nên sinh viên không thể viện cớ bận rộn để làm như vậy. Còn giảng viên cũng không thể lấy lý do quá đông, khó quản lý mà không nhận ra người lạ trong lớp. Do vậy, giảng viên này cho rằng, chỉ cần làm mạnh tay và thực sự đúng quy chế, không khó để xóa bỏ vấn nạn này. Đơn cử như yêu cầu người học đeo thẻ khi đến lớp, dán ảnh của hồ sơ trúng tuyển, kiểm tra bằng những bài viết tay 5-10 phút để nắm chữ viết học sinh và đối chiếu khi thi...
Xuân Ngọc