Xem phim "đen" là công việc hàng ngày của Tony Kim trong suốt 6 năm qua. Kim thuộc lực lượng chiến đấu chống lại hành vi tung ảnh và video "nóng" của bạn tình sau khi chia tay lên mạng xã hội, hay còn gọi là hiện tượng "khiêu dâm trả thù", AFP đưa tin.
"Ban đầu, tôi cảm thấy không thoải mái vì phải xem video như thế này suốt cả ngày, ngày này qua ngày khác. Giờ thì quen rồi và chẳng cảm thấy gì nữa. Đây chỉ là công việc mà thôi", Kim nói. Chàng trai 27 tuổi này cho biết anh quyết định nộp đơn xin việc chủ yếu vì "tò mò".
Công việc của Kim là một phần trong ngành công nghiệp mới "tẩy rửa thế giới số" đang phát triển mạnh ở Hàn Quốc. Công ty Santa Cruise, được thành lập vào năm 2008, ban đầu chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm và gỡ bỏ những lời đồn thổi ác ý và các thông tin bịa đặt nhắm vào doanh nghiệp và người nổi tiếng.
Nhưng trong những năm gần đây, công ty này có thêm một đối tượng khách hàng mới. Họ là những người phụ nữ bình thường bị người yêu cũ, chồng cũ hoặc kẻ xấu trả thù bằng cách tung các bức ảnh và video "nhạy cảm" lên mạng.
"Chúng tôi giám sát rất nhiều các trang web khiêu dâm, mạng nội bộ và trang mạng xã hội cả ngày lẫn đêm bởi vì những 'video rò rỉ' có thể được đăng lên bất cứ lúc nào, xuất hiện lặp lại ngày này qua tháng khác", giám đốc Kim Ho-jin nói.
Trong thời đại số, cũng như nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn nạn "khiêu dâm trả thù". Theo một nghiên cứu, khoảng 2% người dùng mạng ở Mỹ từng bị tung ảnh hoặc video "đen" lên Internet. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, chỉ tính riêng năm ngoái, có hơn 7.000 đơn thư cầu cứu được gửi tới cơ quan quản lý nhờ giúp gỡ các video nhạy cảm, tăng gấp 7 lần so với 4 năm trước đó. Các hình ảnh khiêu dâm được đăng lên mạng không chỉ có "phim nóng" mà còn cả những video quay trộm phụ nữ trong phòng thay đồ hoặc nhà vệ sinh công cộng.
"Đa số tội phạm là thiếu niên hoặc thanh niên ngoài 20 tuổi. Mục đích của các nghi phạm là hạ nhục những phụ nữ đẹp được nhiều người mến mộ vì họ sẽ không bao giờ để mắt đến những người như chúng", ông Kim giải thích động cơ của những kẻ dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để làm giả ảnh nóng của một phụ nữ rồi tung lên các trang web đen.
Một nạn nhân giấu tên cho biết cô đã phải bỏ việc và cắt đứt liên lạc với tất cả bạn bè và người thân sau khi video nhạy cảm của cô xuất hiện trên mạng.
"Tôi từng rất vui vẻ, hạnh phúc, sống một cuộc bình thường như bao người khác", cô gái viết trong một tin nhắn gửi cho trung tâm phản ứng chống lại bạo lực tình dục trên mạng ở Hàn Quốc. "Giờ đây, ngay cả việc bước chân ra khỏi nhà cũng khiến tôi cảm thấy sợ hãi. Tôi sợ hãi cả thế giới".
Trong một xã hội bảo thủ và trọng nam khinh nữ như Hàn Quốc, những người phụ nữ bị làm nhục trên mạng sẽ đối mặt với sự kỳ thị, bà Seo Lang, người điều hành chiến dịch chống lại tội phạm tình dục trên Internet, cho biết.
"Cái giá để phá hủy cuộc đời một người phụ nữ ở đất nước này quá rẻ mạt", bà Seo nói.
'Người trong video có phải là em không?'
Seoul đang quyết liệt chống lại loại hình tội phạm trên mạng mới này, thậm chí giới chức thành phố đề nghị phạt tù tất cả những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế, thống kê cho thấy chỉ 6% những kẻ bị kết tội phải lĩnh án tù, số còn lại chỉ phải nộp phạt hành chính.
Một nạn nhân giấu tên cho biết thủ phạm hãm hại cô chỉ đóng tiền phạt 900 USD và trang web đăng video nhạy cảm của cô lên mạng chỉ bị phạt hành chính gần 2.500 USD.
"Những website kiểu này coi thường việc bị phạt và không bao giờ thay đổi bởi vì hàng tháng họ có thể kiểm được bộn tiền từ quảng cáo và phát tán các video đen của những nạn nhân như tôi", người phụ nữ này lý giải. Nhiều video còn bị dùng làm quảng cáo cho hoạt động mại dâm.
Mỗi tháng, có khoảng 140 phụ nữ đăng ký sử dụng dịch vụ của công ty Santa Cruise sau khi họ nhận được tin nhắn từ một người quen với đường link dẫn tới video đen kèm theo câu hỏi "Người trong video có phải là em không?" Một vài phụ nữ khác dùng dịch vụ để phòng ngừa sự việc không mong muốn xảy ra.
Quy trình làm việc của nhân viên tại Santa Cruise là quét và tìm kiếm video, hình ảnh nhạy cảm của khách hàng. Sau khi tìm thấy, họ sẽ liên lạc với người điều hành trang web và yêu cầu gỡ bỏ với cảnh báo rằng việc đăng tải vi phạm luật về quyền riêng tư cá nhân.
Trong trường hợp website không phản hồi, Santa Cruise sẽ đệ đơn lên cơ quan quản lý Internet của thành phố Seoul yêu cầu ngăn truy cập. Tuy nhiên việc này có thể mất hàng tuần.
"Dù chúng tôi có cố gắng gỡ những nội dung này xuống bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng không thể xóa hẳn chúng khỏi Internet", giám đốc Kim nói.
Giá dịch vụ khoảng 1.750 USD một tháng, tương đương với 2/3 thu nhập bình quân của người Hàn Quốc, là khoản tiền lớn đối với nhiều người. Với những người làm nghề như Kim, điều đáng sợ nhất là khi khách hàng ngừng liên lạc vì chi phí sử dụng dịch vụ trong một thời gian dài đã vượt quá khả năng tài chính của họ.
"Khi chúng tôi gọi điện, đôi khi cha mẹ của họ nhấc máy và nói rằng con gái họ đã tự tử", Kim chia sẻ.
An Hồng