Sáng 4/1, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Trước đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng.
"Nội dung này sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5) để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện", ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát Danh mục theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Trước đó, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội đầu tháng 12, Bộ Công an đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư.
Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an, cho rằng việc bổ sung sẽ tạo hành lang pháp lý để thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ giao cho Bộ Công an về chiến lược bảo vệ an ninh mạng quốc gia.
"Nếu không bổ sung trong Luật sửa đổi lần này sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể ban hành Nghị định. Như vậy, chúng ta thiếu hành lang pháp lý, cơ sở để quản lý, kiểm soát sản phẩm dịch vụ an ninh mạng đưa vào hệ thống thông tin quan trọng của Đảng, Nhà nước", ông Quang nói.
Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo An ninh mạng Quốc gia đã nêu mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 22 về chương trình trình hành động, đảm bảo an ninh mạng quốc gia, giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng.
"Thời gian qua, từ thực tiễn công tác và qua kiểm tra trực tiếp tại 26 bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương có hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia đã phát hiện có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng bị lây nhiễm mã độc phần mềm gián điệp", tướng Quang nói.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng bảo mật trên, theo ông Quang, là chưa có hành lang pháp lý để quản lý doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Vì vậy, các cơ quan có nguy cơ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đơn vị không đủ năng lực.
Bộ Công an cho rằng đây sẽ là kẽ hở nghiêm trọng, nếu bị lợi dụng sẽ xâm hại trực tiếp đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Sản phẩm an ninh mạng bao gồm: sản phẩm bí mật để thu thập thông tin (thiết bị mà phần cứng, phần mềm có chức năng thu thập thông tin tài liệu qua không gian mạng - phần mềm gián điệp); sản phẩm kiểm soát an ninh lưu lượng mạng (trong đó thiết bị phần cứng, phần mềm chuyên dụng dành cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thiết kế với tính năng đặc thù để bảo vệ các mục tiêu, hệ thống thông tin nhằm cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm an ninh mạng; dịch vụ giám sát an ninh mạng, kiểm thử an ninh mạng, đào tạo kiến thức, tư vấn mạng, đánh giá tiêu chuẩn an ninh mạng...
Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự:
Chính phủ đề xuất Điều 10 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng làm rõ hơn trường hợp "ủy thác thi hành án từng phần; bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.
Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, dự thảo nêu: Trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn; đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.
Hoàng Thùy - Viết Tuân