213 người chết, gần 10.000 ca nhiễm chủng virus mới họ corona (nCoV). Con số này vượt xa tổng số người nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) hồi năm 2003, làm tăng thêm gánh nặng cho bệnh viện và nhân viên y tế khắp Trung Quốc, đặc biệt là tại tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin ước tính Hồ Bắc cần 100.000 trang phục và thiết bị bảo hộ mỗi ngày, nhưng 40 nhà sản xuất của Trung Quốc chỉ cung cấp được tổng cộng 30.000 chiếc mỗi ngày.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Hàn Quốc, Nhật Bản và các đại sứ quán Trung Quốc đang chuyển viện trợ nhân đạo cho Bắc Kinh. UNICEF, trụ sở tại New York, hôm 29/1 cho biết lô hàng khẩu trang và trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế đã đến Thượng Hải.
6 tấn vật tư y tế từ các kho của UNICEF ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch đã được gửi tới Vũ Hán. "Chủng virus mới này lây lan với tốc độ chóng mặt và điều quan trọng là phải đưa tất cả các nguồn lực cần thiết vào để ngăn chặn nó", Giám đốc điều hành UNICEF, Henrietta Fore, nói.
Fore cho biết thêm rằng thế giới vẫn chưa biết đủ về mức độ ảnh hưởng của chủng virus mới này đến trẻ em, cũng như bao nhiêu người có thể bị tác động, nhưng giám sát và phòng chống kỹ lưỡng là điều thiết yếu. "Thời gian không đứng về phía chúng ta", bà nói. Quỹ này cho hay sẽ gửi thêm nhiều nguồn cung y tế trong những ngày và tuần sắp tới.
Các hoạt động tiếp tế được đẩy mạnh hôm 30/1 khi WHO gọi dịch viêm phổi cấp là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tây Tạng xác nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên, đồng nghĩa dịch đã lan ra khắp 31 tỉnh, thành và khu tự trị của Trung Quốc.
Hàn Quốc cho biết đã gửi hai triệu khẩu trang y tế, 100.000 kính và 100.000 trang phục bảo hộ bằng máy bay hôm 30/1. Bộ trưởng Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo nói nước này đã gửi viện trợ nhân đạo trị giá 5 triệu USD tới Trung Quốc.
Nhật Bản gửi một triệu khẩu trang đến Trung Quốc trong tuần này. Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi cho biết đang nỗ lực sắp xếp các chuyến bay sơ tán công dân khỏi vùng dịch. Chính quyền và doanh nghiệp địa phương tại Nhật cũng tập hợp để giúp đỡ đội ngũ y tế Trung Quốc.
Inagora, một công ty thương mại điện tử có trụ sở ở Tokyo, hôm 27/1 phát động chiến dịch chuyển khẩu trang đến tỉnh Hồ Bắc. Thành phố Oita trên đảo Kyushu gửi 30.000 khẩu trang đến Trung Quốc. Oita và Vũ Hán là thành phố kết nghĩa trong khoảng 40 năm qua.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangladesh tuần trước gửi 27.200 khẩu trang tới thành phố Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, tỉnh tây nam Trung Quốc. Đại sứ quán đã gây quỹ và mua khẩu trang N95, loại thường được nhân viên y tế dùng, theo truyền thông Trung Quốc.
Đài Loan hạn chế xuất khẩu khẩu trang N95 trong vòng một tháng nhằm bảo vệ công dân hòn đảo sau khi phát hiện một số ca nhiễm nCoV. Đài Bắc cho biết trước đó đã lên kế hoạch tặng 100.000 khẩu trang cho Australia nhằm bảo vệ đội cứu hộ chống cháy rừng và 6.000 chiếc đã được gửi đến. Điều này dẫn tới thiếu hụt phương tiện bảo vệ người dân.
Lãnh đạo Đài Loan Su Tseng-chang hôm 29/1 nói lệnh cấm xuất khẩu là "biện pháp phòng ngừa" và đang tiến hành các bước nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa. Hòn đảo dự định cung cấp 23 triệu khẩu trang cho thị trường nội địa trong vài ngày tới.
Nhật Duy (Theo SCMP)