Chính phủ Trung Quốc hôm nay cho biết có thêm 38 trường hợp tử vong vì dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra chỉ trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 170. Đây là số người tử vong trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh được phát hiện vào cuối năm 2019. Trong số những người mới tử vong, chỉ có một người là cư dân ngoài tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ Vũ Hán là điểm bùng phát dịch. Số ca nhiễm bệnh cũng tiếp tục tăng lên 7.711 và 81.000 người khác đang được giám sát vì nghi ngờ nhiễm virus nCoV.
Tác nhân gây bệnh được cho là bắt nguồn từ một chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán và lan rộng đúng vào dịp hàng trăm triệu người ở Trung Quốc về quê nghỉ Tết Âm lịch. Ít nhất 15 quốc gia đã ghi nhận các trường hợp nhiễm dịch viêm phổi, trong đó Ấn Độ hôm nay phát hiện ca đầu tiên.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan ban đầu giảm nhẹ sức ảnh hưởng của đại dịch, hôm nay sẽ quyết định có tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không. Trong khi đó, các chính phủ, công ty và người dân khắp thế giới đang tăng cường nỗ lực kìm hãm dịch bệnh.
Các hãng hàng không hôm qua bắt đầu huỷ những chuyến bay đến Trung Quốc, bao gồm British Airways, Lufthansa, American Airlines, KLM và United Airlines. Nhiều chính phủ nước ngoài yêu cầu công dân không đến Trung Quốc và một số nước cấm cửa những người đến từ Vũ Hán. Nga là quốc gia mới nhất tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc ở vùng Viễn Đông.
Có hàng nghìn người nước ngoài bị mắc kẹt ở Vũ Hán kể từ khi thành phố bị phong toả vào tuần trước. Nhật Bản và Mỹ hôm qua trở thành những nước đầu tiên tổ chức các chuyến bay sơ tán công dân khỏi ổ dịch. Nhật đã điều thêm máy bay hồi hương hơn 400 công dân vào hôm nay, còn Mỹ dự kiến thực hiện chuyến bay thứ hai vào những ngày tới. Australia và New Zealand nằm trong số những quốc gia đang có kế hoạch sơ tán tương tự.
Nhật Bản hôm nay cho biết 3 người trên chuyến bay đầu tiên về Tokyo được phát hiện dương tính với virus nCoV. Hai trong số họ không có triệu chứng gì. Trước sự lo lắng của dân chúng, giới chức Nhật Bản đã để những người vừa hồi hương "tự cách ly". Chính phủ nước này cho biết họ không có quyền pháp lý để bắt buộc những người này xét nghiệm hay kiểm dịch và có hai người trên chuyến bay đầu tiên đã từ chối xét nghiệm. Nhật Bản cũng phát hiện hai trường hợp dương tính với virus nCoV dù chưa từng đến Trung Quốc.
"Chúng ta đang ở trong một tình huống thực sự mới", Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato phát biểu trước quốc hội khi chính phủ đối mặt với chỉ trích.
Trung Quốc đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, bao gồm cách ly hơn 50 triệu dân ở Vũ Hán và các địa phương xung quanh ở tỉnh Hồ Bắc. Các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải trở nên vắng lặng khi hàng triệu người được khuyến cáo ở trong nhà, tránh ra ngoài khi không cần thiết và đeo khẩu trang.
Giới chức Trung Quốc cũng tuyên bố kéo dài kỳ nghỉ Tết, hoãn bắt đầu học kỳ ở các trường trên toàn quốc và tất cả các trận bóng đá để ngăn dịch lây lan.
WHO đang đối mặt với làn sóng chỉ trích sau khi từ chối tuyên bố dịch viêm phổi cấp là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tuần trước. Việc lật ngược quyết định này trong cuộc họp hôm nay có thể dẫn tới những rào cản du lịch hoặc thương mại. Chủng virus tương tự xuất phát từ Trung Quốc cũng từng gây ra Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS) và khiến gần 800 người trên thế giới thiệt mạng vào năm 2002-2003.
"Cả thế giới cần phải hành động", Michael Ryan, người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Sức khoẻ của WHO, nói với các phóng viên ở Geneva, Thuỵ Sĩ.
Ngoài những nguy cơ với sức khoẻ cộng đồng, dịch viêm phổi cấp cũng đe doạ nền kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán châu Á hôm nay lại sụt giảm trước những lo ngại rằng đại dịch ở Trung Quốc, nơi được mệnh danh là "công xưởng thế giới", sẽ gây ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và lợi nhuận toàn cầu. Toyota, IKEA, Starbucks, Tesla, McDonald's và ông lớn công nghệ Foxconn nằm trong số những tập đoàn tạm ngừng hoạt động sản xuất và đóng cửa đồng loạt các cửa hàng ở Trung Quốc.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho hay virus nCoV đã tạo ra một mối đe doạ mới với nền kinh tế thế giới.
"Rõ ràng sẽ có những tác động, ít nhất là trong tương lai gần, đối với sản lượng ở Trung Quốc và tôi đoán sẽ tác động đến cả một số nước láng giềng gần với họ", ông Powell nói.
Khắp Trung Quốc, những biểu hiện lo sợ thái quá đang tăng lên. Cư dân một số toà chung cư ở Bắc Kinh đã dựng các rào chắn tạm thời để ngăn cách khu vực sinh sống của mình. Một bức ảnh được đăng trên mạng cho thấy một người đàn ông đeo khẩu trang ngồi trên hàng rào ở ngoài làng, khua một loại vũ khí võ thuật truyền thống, gần một tấm biển có dòng chữ "Cấm người ngoài vào làng".
Cuộc khủng hoảng cũng khiến giá thực phẩm leo thang. Chính quyền trung ương Trung Quốc hôm nay cho rằng một số biện pháp đề phòng thái quá đã ngăn cản hoạt động vận chuyển thực phẩm và đã ra chỉ thị mở đường cho xe tải chở thực phẩm tới Vũ Hán.
Anh Ngọc (Theo AFP)