Sốt xuất huyết phát triển theo chu kỳ năm một, mỗi năm có một đỉnh dịch. Đỉnh thường rơi vào mùa mưa là các tháng 8, 9 hoặc 10; và thấp điểm vào tháng cuối năm. Hai năm gần đây đỉnh dịch xuất hiện muộn, như năm 2014 dịch lên cao vào tháng 11 kéo dài đến tận tháng 12. Các chuyên gia dự báo dịch năm nay diễn biến phức tạp, bắt đầu vào mùa và sẽ tiếp tục tăng cao vào cuối năm do vào chu kỳ dịch bệnh.
Hơn 1.500 ca sốt xuất huyết tại Hà Nội được ghi nhận từ đầu năm đến nay, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đang đứng thứ 6 cả nước về số ca sốt xuất huyết. Bệnh nhân liên tục gia tăng trong tháng 7 và tháng 8, từ 359 ca tăng lên 633 và đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. Hiện số bệnh nhân ghi nhận cao tại một số quận huyện trọng điểm như Thanh Trì, Hoàng Mai, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoài Đức.
Thời tiết năm nay diễn biến thất thường, nóng bức mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Hoạt động chính của công tác phòng bệnh là vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng hiệu quả còn chưa cao. Nhiều hộ gia đình từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế (18%), số hộ gia đình vắng mặt nhiều (18%)…
Theo ngành y tế Hà Nội, chỉ 64% hộ gia đình hợp tác với cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh. Đây là khó khăn lớn cản trở công tác phòng chống dịch bệnh này. Trong cùng một khu vực nếu còn một số hộ không phun hóa chất diệt muỗi thì muỗi từ những hộ này vẫn sinh sôi nảy nở, bay sang các hộ bên cạnh lây truyền bệnh. Muỗi sốt xuất huyết sống từ tầng trệt đến tầng thượng, chung cư cao đến 12 tầng vẫn có, vì thế phun hóa chất cho hộ gia đình thì việc phun tất cả các tầng rất quan trọng.
Để phòng bệnh Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Phương Trang