Ngày 8/10, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết tuần qua có 25 trẻ nhập viện do sởi, tăng 10% so với trung bình bốn tuần trước.
Số bệnh nhi sởi tại TP HCM tăng nhanh từ đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần có khoảng 15-20 ca. Hiện cả 24 quận huyện đều xuất hiện bệnh nhân, tập trung nhiều ở Thủ Đức, quận 7, 9, 12, Bình Tân...
Bệnh sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước châu Âu. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây từ người sang người qua đường hô hấp. Dấu hiệu bệnh là sốt, viêm đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ gặp nhiều biến chứng.
Để phòng bệnh sởi, ngành y tế TP HCM khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ bằng nước và xà phòng. Người chăm sỏc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên để không lây bệnh cho trẻ. Che miệng che mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy, bỏ khăn vào thùng rác. Trẻ có triệu chứng sốt, ho, mắt đỏ, phát ban cần đến khám ngay tại cơ sở y tế. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hay phát ban.
Cần đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh sởi theo lịch tiêm chủng quốc gia. TP HCM đang triển khai tiêm bổ sung vắcxin sởi tại các trạm y tế phường xã. Phải đảm bảo bé được tiêm mũi vắcxin phòng ngừa sởi khi tròn 9 tháng tuổi. Mũi vắcxin sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.
Nhiều dịch bệnh ở TP HCM đang cùng lúc diễn biến phức tạp. Bệnh nhi sởi tăng nhanh, trong khi dịch bệnh tay chân miệng vào mùa khiến nhiều viện nhi quá tải. Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM chỉ đạo các bệnh viện chủ động tăng cường ứng phó, trang bị máy móc, thuốc men, huấn luyện điều trị cho các y bác sĩ. Ngành y tế dự phòng tuyên truyền chích ngừa sởi cho trẻ, tăng cường kiến thức phòng bệnh cho người dân, đặc biệt là ở những gia đình có trẻ nhỏ.