Hơn 20 năm làm việc tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), điều dưỡng Phạm Kim Huệ đã quen dần với những đợt cao điểm dịch chồng dịch. "Đợt này bệnh đông, vừa vô là bé nào cũng nặng, có những trường hợp mình trở tay không kịp", chị Huệ nói trong lúc tất bật bàn giao hồ sơ sổ sách cho đồng nghiệp sau ca trực đêm 5/10, giữa nhiều tiếng khóc ồn ào của trẻ bệnh.
Khoảng 2 tuần nay, các y bác sĩ quay cuồng trong guồng công việc khi bệnh nhi tay chân miệng, sởi ồ ạt nhập viện. Ngày 5/10 khoa điều trị cho hơn 230 trẻ, trong đó 130 trường hợp tay chân miệng, 19 bé bệnh sởi. Có những ngày cao điểm, số bệnh nhi tay chân miệng tăng vọt lên hơn 220. Trong 20 trẻ bệnh nặng đang ở phòng cấp cứu, có 12 bé phải theo dõi vì tay chân miệng. Khoa tăng cường thêm 6 phòng bệnh, chuyển đổi công năng phòng nghỉ nhân viên, căng tin bệnh viện thành nơi điều trị trẻ.
"Nhập viện đông, xuất viện đông nên hầu như không ngơi việc, lúc nào cũng luôn sẵn sàng mắt nhìn, tai nghe, tay làm, chân chạy", chị Huệ chia sẻ. Thời gian nghỉ trưa, nghỉ tối cũng được sử dụng để kịp hoàn thành hồ sơ, truyền thuốc, theo dõi sinh hiệu bệnh, dặn dò người nhà bệnh nhân, không dám lơ là để xảy ra sai sót. Nhiều đêm trực đến tận 10-11h mọi người mới bắt đầu chia nhau dùng bữa tối.
Bệnh tay chân miệng không thể xét nghiệm, thử máu để tiên lượng nặng nhẹ như một số bệnh nhiễm khác. Điều này đòi hỏi các bác sĩ, điều dưỡng phải liên tục theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở. Có những trường hợp cứ 1-2 giờ phải kiểm tra các dấu hiệu một lần. Trở nặng của tay chân miệng cũng nhanh hơn, nhiều trẻ đang tỉnh táo nhưng nhanh chóng diễn tiến nặng.
Bác sĩ Trần Ngọc Hạnh Đan có hai con mới một và 3 tuổi. Cường độ công việc trong mùa dịch tăng cao, chị cũng như nhiều đồng nghiệp có con nhỏ, vừa phải đảm đương việc chăm bệnh nhi ở viện, vừa lo đảm bảo toàn cho con ở nhà. "Ai cũng tăng cường tối đa nguyên tắc bảo hộ, thay quần áo, rửa sạch tay chân trước khi rời viện. Vừa về tới nhà phải lo chạy vô phòng tắm trước khi ôm con", bác sĩ Đan tâm sự.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết những ngày qua bệnh viện đã hỗ trợ mì gói, xúc xích, sữa cho các y bác sĩ dùng thêm trong đêm trực. Hơn 50 điều dưỡng, 13 bác sĩ của khoa phải tăng cường công suất làm việc, hạn chế nghỉ phép tối đa. Lịch làm việc của bác sĩ Khanh cũng xáo trộn vì phải đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh, hội chẩn các ca bệnh nặng, nghi ngờ bệnh nhiễm từ các khoa khác.
"Mùa chống dịch dạy các y bác sĩ trẻ lớn thêm, nhạy bén hơn, sức chịu đựng tăng dần, nhưng vài người quá sức phải ngừng cuộc chiến. Ai cũng nói to hơn vì bệnh vô liên tục, trong phòng nhiều tiếng khóc, bước nhanh hơn vì nhiều bé cần làm gấp, tư duy nhanh hơn vì cần phối hợp hội chẩn, mượn thuốc, xin dụng cụ, bàn giao bệnh", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết từ 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện ở thành phố gia tăng nhanh, số ca nhập viện từ các tỉnh cũng tăng nhanh chóng so với trước. 9 tháng đầu năm thành phố ghi nhận 3.568 trường hợp tay chân miệng, 111 ca mắc sởi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tháng 8-9 hàng năm là thời điểm tăng số ca tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên dịch bệnh năm nay bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71. Đây là chủng đã gây vụ dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011. Việt Nam hiện chưa có văcxin phòng bệnh.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết ngày 5/10 khoa có khoảng hơn 100 bệnh nhi tay chân miệng điều trị nội trú, 25 trẻ mắc bệnh sởi. Trong số đó có 10% bệnh nhi đang nằm trong khu cấp cứu. Trong tháng 9, số trẻ bị tay chân miệng tăng gấp 5 lần, bệnh sởi và sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần so với tháng 8. Khoa đã tăng cường thêm các bác sĩ và điều dưỡng từ các khoa khác để hỗ trợ
Lê Phương - Cẩm Anh