![]() |
Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
- Tại sao là "Mắt biếc" chứ không phải "Kính vạn hoa", dù bộ tác phẩm này đã khiến anh nổi đình đám và được trao huy chương "Vì thế hệ trẻ"?
- Với tôi, mọi chuyện hoàn toàn tình cờ. Theo dịch giả Kato Sakae, một nhà xuất bản ở Nhật đã "đặt hàng" chị chuyển sang Nhật ngữ một tác phẩm về đề tài thanh thiếu niên của Việt Nam. Thế rồi qua những người bạn Việt ở Nhật, Kato tìm đọc một loạt sách về đề tài này. Rốt cuộc chị chọn Mắt biếc. Sau đó, nhân một chuyến sang Việt Nam, chị được anh Phạm Xuân Nguyên giới thiệu với nhà văn Ngô Thị Kim Cúc. Qua chị Kim Cúc, chị Kato Sakae lần ra số điện thoại của tôi. Và hẹn gặp tôi để trình bày ý định dịch thuật.
- Việc ký kết hợp đồng giữa anh và nhà xuất bản Terrainc đã diễn ra như thế nào?
- Kato Sakae cầm 2 bản hợp đồng (bằng tiếng Anh) có chữ ký của nhà xuất bản Terrainc. Tôi xem qua, và ký ngay tại một quán ăn. Trong lúc ký hợp đồng, chị tò mò hỏi tôi là ở Việt Nam tôi ký hợp đồng với các nhà xuất bản như thế nào. Nghe tôi nói xưa nay in sách chẳng có ký hợp đồng gì ráo, chị trố mắt ra, tưởng tôi giỡn chơi.
- Công việc dịch thuật hiện đã tiến hành đến đâu?
- Theo chị Kato Sakae cho biết thì tháng 10 này chị sẽ dịch xong Mắt biếc lần thứ nhất. Sau đó là sửa chữa. Và khoảng tháng 3 hay tháng 4 sang năm, sách sẽ phát hành.
- Câu chuyện trong "Mắt biếc" là mối tình câm lặng, đơn phương của Ngạn từ khi là cậu học trò đến khi trở thành người đàn ông trung niên với Hà Lan. Truyện kết thúc buồn và không có hậu. Với độc giả nhí, anh có sợ "Mắt biếc" hơi già?
- Tôi cũng thấy Mắt biếc là tác phẩm “già” nhất trong loạt sách của tôi. Ở Việt Nam những độc giả thích Mắt biếc thường ở độ tuổi sinh viên trở lên. Ngay chị Kato Sakae cũng xác định như vậy. Chị nói rằng mặc dù đây là sách viết về tuổi trẻ, nhưng khi quyết định dịch, chị nhắm tới lớp độc giả trung niên ở Nhật, đặc biệt là những người từng gắn bó với thôn quê. Tôi cũng nói với chị tác phẩm Mắt biếc không đơn thuần là tác phẩm viết về đề tài tình yêu. Đằng sau chuyện tình của Hà Lan và Ngạn, tôi muốn đề cập đến sự khác biệt về văn hóa giữa thôn quê và thành thị, về khái niệm nguồn cội đối với mỗi cá nhân...
- Sách của Nguyễn Nhật Ánh hình như chưa được giải nào của Hội Nhà văn, nhưng lại được độc giả nồng nhiệt chào đón. Anh nghĩ sao?
- Tôi cho rằng tình trạng này có lẽ xuất phát từ sự khác biệt về quan điểm giữa người lãnh đạo văn nghệ và người trực tiếp sáng tác. Thế nào là văn học thiếu nhi, ngay khái niệm tưởng đơn giản, rõ ràng đó hiện nay vẫn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Là một người chuyên viết cho các em, thường xuyên tiếp xúc và hiểu được tâm tư, khát vọng của các em, tôi luôn đề cao tính đối tượng trong sáng tác, nghĩa là viết sao cho tác phẩm đến được với các độc giả nhỏ tuổi. Trong tình hình các em chơi nhiều hơn đọc, đọc truyện tranh nhiều hơn truyện chữ, đọc truyện dịch nhiều hơn truyện trong nước, tôi nghĩ nhà văn viết cho thiếu nhi phải cố làm sao để thu hút các em đến với sách, đến với truyện chữ, đến với văn học Việt Nam. Tôi tin rằng đó là một cuộc chiến đấu mang ý nghĩa xã hội, một cuộc chiến không cân sức nhằm thử thách tinh thần trách nhiệm của nhà văn. Có thể Hội nhà văn đánh giá văn học thiếu nhi dưới một góc độ khác, ít tính thực tiễn hơn.
Hiền Hoà thực hiện