Trong tháng trước, bệnh viện mắt điều trị 1.122 ca đau mắt đỏ, cao gần gấp đôi số ca nhiễm của tháng 7 và tháng 8 cộng lại. Các cơ sở y tế tư nhân cũng tiếp nhận hàng trăm người bệnh đến khám với các biểu hiện đau, rát ngứa và đỏ mắt.
"Số ca đau mắt đỏ đang có xu hướng tăng, con số thực tế cao hơn vì nhiều người đã tự mua thuốc để điều trị tại nhà", đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho biết, chiều 5/10.
Bệnh đau mắt đỏ cũng đang lây lan nhanh trong các cơ sở giáo dục do là thời điểm học sinh trở lại trường, có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhau, sử dụng nhiều đồ dùng chung. Một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Hồng Bàng cho hay trường chưa có thống kê cụ thể nhưng hầu như lớp nào cũng có học sinh đau mắt đỏ. "Cháu này khỏi thì đến cháu khác bệnh", hiệu trưởng này cho biết.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng yêu cầu các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh có thể cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân, môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung các vật dụng cá nhân.
Theo bác sĩ Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện mắt Hải Phòng, bệnh đau mắt đỏ không nguy hại đến tính mạng nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đúng phương pháp sẽ bị viêm giác mạc, kéo giảm mạc hoặc loét giác mạc. Bác sĩ Sơn khuyến người dân nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám, hướng dẫn điều trị, không nên dùng các biện pháp không có cơ sở khoa học như xông lá trầu không, đắp thuốc, vắt chanh vì sẽ làm biến chứng nặng hơn.
Bệnh đau mắt đỏ cũng đang lây lan trên cả nước. Kết quả giải trình tự gene virus các mẫu bệnh phẩm tại TP HCM cho thấy tác nhân chính gây đau mắt đỏ là biến thể virus coxsackie A24. Đây là biến thể có độ lây lan mạnh hơn, dễ làm bùng dịch, thường gây viêm kết mạc xuất huyết. Ngoài ra thành phố còn đang lưu hành hai biến thể human adenovirus 54 chiếm 11% và human adenovirus 37 chiếm 3%. Hai biến thể human xuất hiện thường niên.
Lê Tân