Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Tăng Ngọc Anh, Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Gia Định.
Viêm kết mạc xuất huyết (AHC) là gì?
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) xuất huyết cấp tính là một bệnh rất dễ lây lan, chủ yếu do coxsackie A24 cùng enterovirus 70 gây ra. Những loại virus này cũng liên quan đến các triệu chứng ở đường hô hấp trên và các biểu hiện về thần kinh như liệt mềm cấp tính (tình trạng yếu, liệt, giảm trương lực cơ).
- Thông thường, bệnh xảy ra ở những vùng đông dân cư, ẩm ướt trên các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Triệu chứng
- Viêm kết mạc xuất huyết do coxsackie A24 có triệu chứng tương tự bệnh cảnh viêm kết mạc cấp do các virus khác, bao gồm đỏ mắt đột ngột, chảy nước mắt, cảm giác có dị vật trong mắt, sưng mí mắt, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt.
- Sự hiện diện của xuất huyết dưới kết mạc khiến bệnh khác biệt với các loại viêm kết mạc khác. Xuất huyết dưới kết mạc là tình trạng chảy máu xảy ra bên dưới kết mạc, xuất hiện dưới dạng một mảng màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm trên phần lòng trắng của mắt và thường không đau. Tình trạng này xảy ra do nhiễm virus gây tổn thương các mạch máu ở kết mạc, dẫn đến chảy máu.
Mức độ nguy hiểm
- Bệnh có thể gây khó chịu nhưng thường không được coi là tình trạng nguy hiểm.
- Các biến chứng như tổn thương giác mạc hoặc bội nhiễm vi khuẩn có thể xảy ra trong một số trường hợp hiếm gặp. Do đó, cần đến khám bác sĩ kịp thời nếu các triệu chứng trở nên tệ hơn hoặc khi có lo ngại về các biến chứng.
Điều trị
- Bệnh thường không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nhưng có thể gây khó chịu đáng kể. Điều trị chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và thúc đẩy quá trình lành bệnh. Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ bôi trơn theo chỉ định của bác sĩ để giảm khô và giảm kích ứng mắt.
- Chườm lạnh giúp giảm sưng nề và có thể dùng thuốc giảm đau không cần kê đơn để kiểm soát cơn đau.
- Vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại vi khuẩn nên không dùng với mục đích chống lây nhiễm coxsackie. Hầu hết trẻ em bị nhiễm coxsackie đơn giản đều hồi phục hoàn toàn sau vài ngày mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Phòng bệnh
- Coxsackie A24 rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt bị bệnh hoặc bề mặt bị ô nhiễm. Virus cũng có thể lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Người bệnh dễ gây lây truyền nhất trong tuần đầu tiên bị bệnh.
- Không có vaccine để ngăn ngừa nhiễm virus này.
- Ngăn ngừa sự lây lan của bệnh bằng thói quen vệ sinh tốt. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với mắt hoặc các bề mặt có thể bị ô nhiễm là điều rất quan trọng. Tránh chạm vào mắt bằng tay chưa rửa sạch.
- Đồ chơi dùng chung ở các trung tâm chăm sóc trẻ em nên được làm sạch thường xuyên bằng chất khử trùng vì virus có thể sống trên những đồ vật này trong nhiều ngày.
- Sử dụng khăn giấy hoặc khăn tay khi hắt hơi hoặc ho có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt.
- Những người bị viêm kết mạc cấp nên mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần gũi với người khác cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm nữa.
Lê Phương