Hôm 22/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước chuẩn bị ứng phó với một đại dịch mới tiềm ẩn, gọi là "Dịch bệnh X". Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng nhau ký kết một "hiệp ước đại dịch" để giải quyết vấn đề này.
Bệnh X là gì?
Bệnh X không phải một bệnh cụ thể. Các nhà khoa học dùng chữ cái X để chỉ loại virus, vi khuẩn hoặc nấm tiềm ẩn, tương tự Covid-19, có thể gây ra đại dịch trong tương lai.
Theo Lancet, WHO chính thức sử dụng thuật ngữ này lần đầu vào năm 2018. Đến năm 2022, tổ chức đã tập hợp hơn 300 nhà khoa học, xem xét 25 họ virus, vi khuẩn nhằm lập ra danh sách các mầm bệnh có khả năng tàn phá thế giới, cần nghiên cứu thêm. Dịch bệnh X nằm trong danh sách đó.
WHO cho biết khái niệm này "thể hiện đại dịch quốc tế nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào". Ông Tedros nói Covid-19 có thể được coi là dịch bệnh X đầu tiên, các nhà khoa học và giới chuyên gia đang tích cực đúc kết kinh nghiệm từ nó.
Theo tiến sĩ Tushar Tayal, chuyên gia tư vấn nội khoa Bệnh viện CK Birla, việc dán nhãn mối đe dọa tiềm ẩn là X nhằm ưu tiên chuẩn bị đối phó với một dịch bệnh chưa có vaccine, thuốc điều trị, có thể để lại hậu quả nghiêm trọng.
"Khám phá bệnh X giống như đi vào lĩnh vực bí ẩn, khó lường của bệnh truyền nhiễm. Khác với các loại bệnh về lối sống hoặc di truyền, ảnh hưởng đến từng cá nhân hoặc nhóm cụ thể, bệnh X có khả năng tác động đến dân số toàn cầu", ông giải thích.
Dịch bệnh X có thể bắt nguồn từ đâu?
Theo tiến sĩ Amesh Adalja, Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, dịch bệnh X có thể bắt nguồn từ loại virus đường hô hấp, lây lan từ động vật, truyền sang người.
"Đó là loài dơi như Covid-19, hoặc loài chim như cúm gia cầm, thậm chí virus từ gia súc như lợn. Đường truyền có khả năng nhất là từ động vật sang người", ông nói.
Tiến sĩ Tayal cho rằng các nước nên đặc biệt chú ý đến virus corona nói chung. Đây là một phân nhóm virus lớn, gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm trước Covid-19 như SARS và MERS. Tuy nhiên hai loại virus này sẽ khó trỗi dậy trong tương lai, vì phần đông dân số thế giới đã có miễn dịch.
Tại sao nói dịch bệnh X nguy hiểm hơn Covid-19 tới 20 lần?
Theo tiến sĩ Pavithra Venkatagopalan, nhà vi trùng học, chuyên gia về virus corona tại Bệnh viện Madras Next Gen, con người không thể loại bỏ hoàn toàn các bệnh truyền nhiễm khỏi xã hội, bởi virus không ngừng tiến hóa. Tuyên bố "dịch bệnh X nguy hiểm hơn Covid-19 khoảng 20 lần " của WHO nhằm nhấn mạnh tác động tiềm ẩn, cả về tốc độ lây nhiễm và số người mắc của mầm bệnh mới.D
Dân số thế giới đang ở mức cao nhất, lượng người mắc bệnh có thể khiến số ca tử vong tăng cao, dù hệ số tử vong của bản thân virus tương đối thấp. Tầm quan trọng của các mô hình dự đoán nằm ở khả năng cảnh báo xã hội trước các mối đe dọa tiềm ẩn. Trong đại dịch Covid-19, việc dự đoán chính xác tác động của virus đã cứu nhiều mạng người.
Thế giới có kế hoạch gì để ứng phó dịch bệnh X?
Năm 2022, WHO khởi động quy trình khoa học toàn cầu nhằm cập nhật danh sách các mầm bệnh có khả năng gây chết người cần đầu tư nghiên cứu để phát triển vaccine. Bên cạnh dịch bệnh X, các mầm bệnh còn lại gồm Ebola, virus Marburg, sốt xuất huyết Crimean-Congo, sốt Lassa, virus Nipah,...
Quy trình của WHO có các tiêu chí khoa học và y tế công cộng, đồng thời cân nhắc tác động kinh tế, xã hội có thể xảy ra, cùng khả năng tiếp cận biện pháp cứu sinh của người dân từng quốc gia.
Cách tiếp cận mới không chỉ tập trung vào từng mầm bệnh riêng lẻ. Nó chú trọng đến toàn bộ virus và vi khuẩn. Theo cơ quan, để theo dõi và quản lý các mối đe dọa y tế mới nổi, các chuyên gia y tế cần tăng cường nỗ lực phát hiện sớm cụm dịch chết người.
Những hiểu biết từ Covid-19 cũng giúp giới khoa học đối phó với dịch bệnh X trong tương lai.
"Các loại vaccine mới, vaccine được tái sử dụng như mRNA đã cho chúng ta thấy tiềm năng chống lại bệnh tật nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng cần trao quyền và tạo điều kiện cho các bệnh viện mở rộng nguồn lực nếu có khủng hoảng y tế xảy ra", tiến sĩ Tayal nhận định.
Thục Linh (Theo CBS News, Independent, Hindustan Times, USA Today)