Chúng trấn an tôi như hồi nhỏ, đi đâu về, tôi chạy vào buồng mở thùng gạo của mẹ xem đầy hay vơi. Hôm nào gạo đầy, cậu bé tôi thấy yên tâm hẳn.
Những ngày này, giữa Sài Gòn, tôi thực sự hiểu giá trị của đĩa rau xanh trên mâm cơm. Nửa tuần nay, cuộc sống của tôi không chỉ có tiếng còi hú xe cứu thương mà còn vơi đi những cọng rau xanh trong mỗi bữa.
Hôm qua, chúng tôi mừng mừng tủi tủi khi nhận được món quà từ người bạn học: những bó rau xanh đủ loại, mỗi thứ một chút, được hái từ mảnh vườn của bạn ở quận 12. Hái rau có lẽ không lâu, nhưng bạn cũng mất hơn 30 phút để đặt được xe công nghệ "ship" rau cho tôi.
Những ngày này, các shipper vô cùng bận rộn, chỉ để chuyển những món quà là thực phẩm tươi sống từ nhà này sang nhà kia. Chỉ một tuần trước đây thôi, nếu bạn gửi rau, tôi chẳng cảm nhận được niềm vui và cảm xúc bất ngờ từ gói quà chân quê đó.
Một thị trường lớn nhất cả nước với hơn 10 triệu cư dân, tiêu thụ hơn 10.000 tấn lương thực và thực phẩm tươi sống mỗi ngày, cùng hàng triệu nhân công tham gia vào chuỗi cung ứng, như con tàu đang băng băng chợt phanh gấp. Giá thực phẩm tăng vọt theo từng giờ.
Trái dưa leo, món ăn bình dân nhất hôm trước còn 15.000 một cân, hôm sau "60.000 đồng mỗi ký, miễn mặc cả". Người bán hàng tự phát trong khu chung cư niêm yết giá bán: Mướp đắng, đậu bắp 50.000 đồng một ký, hành lá 75.000 đồng một ký, rau muống 40.000 đồng một ký, cải xanh 45.000 đồng một ký, gừng và sả 90.000 đồng một ký.
Trứng gà bình thường 20.000-25.000 đồng một chục, nay lên 50.000 một chục. Thịt tươi, cá, tôm đều tăng gần gấp đôi ngày thường, nếu không mua nhanh sẽ hết.
Người quen tôi tới siêu thị lúc gần trưa, kệ thịt cá và rau không còn gì. Cô nhân viên dặn "mai chị ghé 5 giờ sáng nha chị". Hôm sau, cô quay lại lúc 6 giờ sáng, siêu thị chỉ còn vài bó rau và vài vỉ thịt. Chỉ cách đó 100-200 km, nông dân đang bỏ mặc cây trái, đổ đi hàng tấn rau củ vì không tiêu thụ được.
Ai nắm kênh phân phối, người đó khống chế thị trường. Chẳng thế mà ngôi quán quân về doanh thu trên toàn cầu nhiều năm luôn là chuỗi siêu thị Walmart với 559 tỷ USD, hay gần 20.000 USD cho mỗi giây đồng hồ trong năm 2020. Cũng không ngạc nhiên khi một trong những người giàu nhất thế giới là chủ Amazon - cái chợ online bán từ chổi quét nhà đến siêu xe.
Khi dịch bùng nổ, việc áp dụng giãn cách được xã hội ủng hộ, kể cả những doanh nhân vốn di chuyển nhiều như chúng tôi. Mọi công việc của tôi chuyển lên online và nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do hết nguyên liệu sản xuất. Nhưng tôi chấp nhận vì biết thiệt hại đó chưa là gì so với sự vất vả của các nhân viên y tế tuyến đầu.
Tôi tin người Sài Gòn đều ủng hộ chống dịch, nhưng đứt gãy kênh cung ứng là điều không ai biết trước. Chỉ sau vài ngày, bữa cơm rau khiêm nhường cũng trở thành lo toan ngay cả với tầng lớp trung lưu.
Đảm bảo kênh hàng hóa là nhiệm vụ của một bộ, chống dịch là nhiệm vụ của bộ khác. Thành phố có 238 chợ truyền thống, cung cấp hơn 70% nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho dân chúng. Sau một đêm, chỉ còn hơn 40 chợ được hoạt động. Bài toán nhu yếu phẩm cho đời sống của hơn 10 triệu dân chẳng lẽ đã không được ai tính đến trong suốt gần hai tháng qua khi TP HCM phải giãn cách? Tôi tự hỏi, liệu có sự trao đổi kỹ càng giữa các tư lệnh ngành trước mỗi quyết định? Là người dân, chúng tôi rất hiểu, chống dịch và bảo toàn sinh mạng đang nước sôi lửa bỏng. Nhưng ăn và sống bình thường, cũng nóng đâu kém gì nước sôi.
Các phát biểu cam kết không để dân thiếu hàng, mở lại một số chợ, cấp thêm nguồn hàng cho các siêu thị đã được đại diện cơ quan chức năng tuyên bố chủ trương. Tôi gọi cho quản lý một công ty có chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại TP HCM, anh cho biết, đối tác của họ ở Lâm Đồng và miền Tây gặp khó do các địa phương cách ly xã hội, mỗi tỉnh có một quy định khác nhau ở các chốt chặn khiến xe chở hàng khó lưu thông.
Với kênh phân phối truyền thống, thương lái lâu nay vẫn chở rau củ từ tỉnh về chợ đầu mối tại TP HCM trong đêm, vì mặt hàng này phải tiêu thụ ngay. Nay, chợ đầu mối đóng cửa, họ đành bỏ thu mua từ vườn vì không có mối đổ hàng.
Các ý kiến về giải pháp cũng không thiếu. Cá nhân tôi tin rằng, xây dựng đội ngũ vận tải "đặc nhiệm" và ưu tiên tiêm vaccine càng sớm càng tốt cho họ là việc cấp thiết. Chủ trương tiêm vaccine cho nhóm này cũng đã có trong danh sách của Bộ Y tế, song còn chờ được thực thi và phụ thuộc vào kế hoạch của mỗi tỉnh, thành. Tài xế thuộc địa phương nào sẽ đăng ký tiêm chủng ở địa phương đó. Hầu hết các địa phương đang xúc tiến ở khâu nhận yêu cầu đăng ký tiêm.
Thiếu hụt đội ngũ lái xe đạt chuẩn về sức khỏe, khu vực phía Nam khó mà khơi thông dòng chảy hàng hóa giữa thành phố và vùng sản xuất. Nhiều siêu thị từ chối đơn hàng online cũng vì thiếu nhân viên giao hàng.
Theo Sở Công thương TP HCM, sẽ có 13 chợ truyền thống được mở bán thí điểm các mặt hàng tươi sống. Tuy nhiên, để được mở lại, các chợ này phải lên phương án tổ chức hoạt động, được cơ quan quản lý duyệt và tiểu thương có kết quả xét nghiệm âm tính. Điều đó có nghĩa các chợ chưa thể mở ngay trong một, hai ngày.
Kể cả khi một số chợ hoạt động cũng chưa chắc đáp ứng đủ nhu cầu cho khoảng 10 triệu dân của TP HCM, nhất là người thu nhập thấp. Tôi cho rằng, việc khôi phục càng sớm càng tốt hệ thống chợ dân sinh trên nguyên tắc 5K là cách gần như duy nhất để giúp mọi người dân tiếp cận nguồn thực phẩm tươi sống. Kênh phân phối hiện đại, bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện dụng đóng góp khoảng 30% nguồn cung trong điều kiện thông thường nhưng không có ưu thế về hàng tươi sống.
Chúng ta có thể thiết kế lại mô hình chợ truyền thống thành chợ giãn cách, áp dụng trong lâu dài. Mặt bằng được kẻ ô bán hàng đúng tiêu chuẩn giãn cách, nếu cần có thể trưng dụng thêm không gian công cộng như trường học, công viên để hồi sinh chợ cho dân chúng. Chợ dân sinh giãn cách không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với giá cả phải chăng, giúp tiêu thụ nông sản mà còn giải quyết công ăn việc làm và đời sống cho nhóm tiểu thương thành thị.
Cuộc chiến với virus cũng sẽ bớt nhọc nhằn nếu mỗi gia đình được đảm bảo nhu cầu cốt lõi. Nhu cầu ấy đôi khi đơn giản chỉ là bữa cơm có rau xanh để vừa chống dịch, vừa an dân.
Ngô Trọng Thanh