"Đây còn là cơ hội để địa phương sáng tạo, đổi mới và có những bước đi đột phá", TS Nguyễn Hoàng Chương, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) nói và cho biết đồng tình với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM về việc giao quyền cho các tỉnh thành tự kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.
Theo TS Chương, khi đó trách nhiệm tổ chức thi cử vốn tốn nhiều thời gian, nhân lực đã được san sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung toàn nguồn lực cho việc chính là quản lý nhà nước. Đây sẽ là bước đi đột phá trong giáo dục, thay vì cách làm cũ là Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi chung cho cả nước (trước đây là THPT quốc gia, nay là tốt nghiệp THPT), địa phương căn cứ vào đây xét tốt nghiệp.
"Suy cho cùng, dù Bộ hay địa phương tổ chức thi, chất lượng giáo dục nằm chính ở năng lực của nhà giáo, phương pháp dạy và học của nhà trường", ông Chương nói.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm dạy học và quản lý giáo dục, ông dẫn chứng nhiều trường đã cải thiện được tỷ lệ tốt nghiệp nhờ sự nỗ lực của tập thể sư phạm và học sinh, từ ngày đất nước còn khó khăn.
Để hiện thực hoá đề xuất trên, TS Chương cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung khâu kiểm định chất lượng với bộ tiêu chí chung cho các trường THPT, trung tâm kiểm định cũng có thể xã hội hoá. Chất lượng giáo dục do địa phương công bố và trung tâm kiểm định nếu có sự chênh lệch sẽ là căn cứ để xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương.
Ông Chương cũng lý giải một số địa phương ngại thực hiện tự thi, công nhận tốt nghiệp bởi trách nhiệm nặng nề, tổ chức kỳ thi phức tạp, nhất là khâu ra đề. Bộ Giáo dục và Đạo tào cũng cần có tập huấn, hướng dẫn và phân trách nhiệm cụ thể nếu thực hiện giao quyền.
Đồng quan điểm, nhiều hiệu trưởng THPT tại TP HCM cho rằng đây là thời điểm cần thay đổi thi cử, xét tốt nghiệp, nhất là sau hai năm Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới ngành giáo dục. Việc giao cho địa phương tự chủ kỳ thi sẽ thuận lợi hơn tổ chức một kỳ thi toàn quốc, khi tình hình dịch bệnh mỗi nơi một khác.
Theo ông Nguyễn Đình Độ (Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân), tỷ lệ tốt nghiệp những năm gần đây gần rất cao, chỉ vài phần trăm học sinh rớt nên việc tổ chức kỳ thi quy mô lớn, tốn kém là không nhiều ý nghĩa. Khi tỉnh thành tổ chức thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức giám sát, thanh tra, hậu kiểm, tổ chức thi đánh giá ngẫu nhiên... sẽ đảm bảo được sự nghiêm túc.
Tuy nhiên, ông Độ cũng lo ngại việc này không tránh khỏi một số địa phương tổ chức thi cử không nghiêm túc. Lời cảnh báo từ gian lận thi cử năm 2018 vẫn còn đó, nếu thi cử không công bằng giữa các địa phương, học sinh ở những nơi thi và học nghiêm túc sẽ thiệt thòi. "Tôi nghĩ nên thí điểm tại một số tỉnh thành có chất lượng giáo dục tốt, được công nhận từ nhiều năm nay như Hà Nội, TP HCM, khi các quy chế chặt chẽ thì hãy mở rộng đại trà", ông đề xuất.
Về phía các đại học, cao đẳng, dù vẫn phụ thuộc phần lớn tỷ trọng xét tuyển ở kỳ thi tốt nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, lãnh đạo nhiều trường vẫn ủng hộ đề xuất của TP HCM.
Họ lý giải, khi thực hiện tự chủ đại học, công tác tuyển sinh của các trường sẽ linh hoạt, có thể dựa vào nhiều thước đo khác nhau: Xét quá trình học THPT, tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, phối hợp các phương thức xét tuyển... Các kỳ thi của địa phương tổ chức nếu chất lượng vẫn là kênh tuyển sinh tốt.
TS Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP HCM) nêu thêm giải pháp: Bộ cho phép các trung tâm khảo thí giúp địa phương tổ chức thi, đánh giá học sinh. "Cách làm này vẫn đảm bảo giao quyền tự chủ cho địa phương, vừa tạo được sự khách quan trong đánh giá, trường đại học có thể yên tâm sử dụng kết quả cho xét tuyển. Việc này cũng hạn chế các trường ồ ạt tổ chức thi tuyển sinh riêng, bởi như vậy thì ý nghĩa việc đổi mới trên không còn", ông Nhân nêu quan điểm.
Tương tự, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM) cho rằng, các tỉnh thành tự tổ chức thi nhưng nguồn đề do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp nhằm đảm bảo được sự đồng đều trong đánh giá. Ngoài ra, nên có quy định khoảng thời gian thi, xét tốt nghiệp giữa các địa phương để không ảnh hưởng đến việc vào đại học của học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đề xuất giao quyền cho địa phương tổ chức thi riêng và tự công nhận tốt nghiệp THPT của TP HCM không mới, từng được đưa ra bàn bạc vào tháng 8/2016. UBND TP HCM sau đó trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định "Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT riêng từ năm 2017", nhưng không được phê duyệt.
Đầu tuần này, đề xuất trên được nhắc lại trong báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo sau 8 năm triển khai Nghị quyết 16 của Chính phủ và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Trong đó TP HCM đề nghị giao quyền cho tất cả tỉnh thành tự kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT; Bộ Giáo dục và Đào tạo định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương theo chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi.
Luật Giáo dục quy định, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp. Kỳ thi này trước đây là THPT quốc gia và nay là tốt nghiệp THPT.
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang (giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM), quy định trên buộc học sinh phải dự một kỳ thi mới được công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định "cứng" kỳ thi phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Do đó, việc này giao về cho các tỉnh, thành là phù hợp và không trái luật.