Vấn đề này cùng nhiều đề xuất cơ chế đặc thù, giải pháp mang tính đột phá vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nêu trong báo cáo của ngành, sau 8 năm triển khai Nghị quyết 16 của Chính phủ và Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Theo Sở, khi để các tỉnh thành công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ định kỳ tổ chức, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương và công bố rộng rãi cả nước.
Đề xuất để TP HCM tự xét tốt nghiệp bằng các kỳ thi định kỳ và cuối cấp học được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đưa ra từ năm 2017. Một năm sau đó, ông Nguyễn Thiện Nhân, trên cương vị Bí thư Thành ủy TP HCM, giao ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố nghiên cứu, triển khai ý tưởng này.
Giao quyền tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT về cho địa phương từng được nhiều người nhắc đến, nhất là trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, để tổ chức một kỳ chung trên cả nước cùng một thời điểm là rất khó. Việc này cũng phù hợp với Luật Giáo dục với điểm mở là không quy định kỳ thi trên ở cấp quốc gia hay ở cấp tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũn đề xuất Bộ cho phép các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn, miễn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá.
Ngoài ra, ngành giáo dục thành phố muốn tăng số lượng giáo viên mầm non để thực hiện được hai ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20h30, cả ngày nghỉ.
TP HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, gần 80.000 giáo viên. Trong 8 năm gần đây, mỗi năm thành phố có thêm 50.000-70.000 học sinh. Ngân sách của thành phố cho cho giáo dục hàng năm là khoảng 26%.
Luật Giáo dục quy định, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp. Kỳ thi này trước đây là THPT quốc gia và nay là tốt nghiệp THPT.