Hiện nay các địa phương phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh dựa trên ba tiêu chí: Ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần; độ bao phủ vaccine; năng lực y tế.
Tại hội nghị hôm 25/11, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay khi Việt Nam đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với hơn 75% dân số trưởng thành được tiêm đủ hai mũi vaccine, "tiêu chí số ca nhiễm mới/100.000 dân/tuần không còn quá quan trọng". Các cơ quan sẽ tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của địa phương để phân loại.
Nhìn nhận đề xuất nêu trên là xu thế chung của nhiều nước, nhưng ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang bày tỏ băn khoăn. Khi đánh giá cấp độ dịch bệnh chỉ dựa trên hai tiêu chí "độ mở cửa sẽ thông thoáng hơn hiện nay". Việc giao lưu, đi lại, tham gia sinh hoạt, dịch vụ, lao động sản xuất của người dân cũng sẽ được nới lỏng hơn.
Khi không còn chú trọng tiêu chí số ca nhiễm mới, có thể số F0 trong cộng đồng tăng lên nhiều hơn so với hiện nay. "Chúng tôi chưa hình dung khi đó mức độ lây lan và ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ thế nào. Nhưng có thể ngành y tế thêm áp lực trong bối cảnh đã và đang phải căng thẳng chống dịch", ông Hiệu bày tỏ.
Hơn nữa, ông Hiệu cho rằng, việc thay đổi tiêu chí chỉ nên áp dụng khi đã phủ được vaccine mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành. Trong khi đó, hiện nay nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm chủng mũi hai còn thấp, độ bao phủ chưa rộng. "Có thể đến hết năm 2021, đầu năm 2022 Việt Nam mới bao phủ vaccine mũi hai cho tất cả dân số trưởng thành, sau đó cần có thời gian nửa tháng sau mới tạo được miễn dịch đầy đủ", ông Hiệu nói.
Mặt khác, ông Hiệu cũng lo lắng, khi không chú trọng tính số ca nhiễm, các địa phương sẽ chỉ tập trung điều trị ca nặng, khiến dịch bệnh lây lan rộng hơn. "Khi số ca nhiễm tăng nhanh, có thể thêm nhiều người già, người có bệnh nền bị nhiễm. Như vậy, hệ thống y tế vẫn bị quá tải", ông Hiệu phân tích.
Từ cách tiếp cận trên, ông Từ Quốc Hiệu đề nghị vẫn nên áp dụng bộ tiêu chí cũ để đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh; sau khi đã phủ được vaccine cho tất cả dân số, mới xem xét đưa ra tiêu chí mới. "Hơn một tháng thực hiện thích ứng an toàn, người dân và xã hội được tạo thuận lợi về mọi mặt. Nhưng chúng tôi thực sự rất lo lắng về nguy cơ dịch bệnh lây lan vào các khu công nghiệp. Công nhân đa số còn trẻ khỏe, lại được tiêm vaccine, nên không đáng lo. Nhưng họ sẽ mang mầm bệnh về nhà, lây cho trẻ nhỏ, người già...", ông Hiệu nói.
Ông Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng, cũng bày tỏ băn khoăn nếu thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh. Dịch vẫn diễn biến phức tại các tỉnh thành phía Nam, đang xâm nhập vào miền Trung, miền Bắc bằng nhiều con đường khiến Hải Phòng khó kiểm soát nguy cơ dịch bệnh lây lan vào thành phố.
Đến nay, Hải Phòng chưa có ca nguy kịch và tử vong do Covid-19, nhưng đang xuất hiện chùm ca bệnh tại huyện Tiên Lãng, Dương Kinh và Hải An với số người mắc cao.
Người dân vào thành phố khai báo y tế điện tử thuận tiện, nhưng về phía cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc theo dõi kiểm soát các trường hợp di chuyển từ vùng dịch, vì công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Trong thực tế, khi bỏ quy định xét nghiệm, vẫn còn không ít người dân chủ quan, coi thường dịch bệnh, bỏ qua nguyên tắc 5K. Một bộ phận nhỏ người dân thực hiện chưa nghiêm các khuyến cáo của thành phố về cách ly, khai báo y tế.
Lãnh đạo ngành Y tế Hải Phòng cũng nêu vấn đề, bên cạnh công tác điều tra, giám sát dịch tễ, xử lý ổ dịch..., nhân lực tại một số đơn vị trong ngành đang phải đảm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ mới phát sinh như đưa đón người đi cách ly tập trung, tham gia trực chốt kiểm soát, trực các điểm cách ly. "Đội ngũ nhân viên y tế phải làm việc rất vất vả để hoàn thành các nhiệm vụ phòng, chống dịch", ông Cường nói, cho rằng nếu áp dụng tiêu chí mới như đề xuất của Bộ Y tế sẽ "gây áp lực rất lớn cho các cơ sở".
Theo ông, hiện nay các địa phương ở cấp độ 1 và 2 "mọi hoạt động diễn ra bình thường, gần như rất ít sự hạn chế". Tỷ lệ tiêm vaccine ở nhiều tỉnh, thành đạt tỷ lệ cao, song vẫn còn số lượng người già, trẻ em, phụ nữ có thai chưa được tiêm; nếu số ca mắc tiếp tục tăng cao trong khi không có biện pháp hạn chế sự lây lan (áp dụng theo cấp độ dịch) sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca nặng và tử vong.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần tính đến khả năng sẽ xuất hiện biến chủng mới đáng lo ngại. "Chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này", ông Cường nêu quan điểm.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng, nói trong quá trình thực hiện các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh hiện nay, "chúng tôi chưa thấy có vướng mắc gì lớn". Các bộ chỉ số trong hướng dẫn của Bộ Y tế đủ rõ ràng và địa phương dựa vào đó cụ thể hóa biện pháp hành chính phù hợp theo cấp độ dịch.
Về dự kiến thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, theo hướng chú trọng đánh giá số liệu ca nhập viện, ca bệnh nặng và tử vong, bà Thủy nói "quan điểm chống dịch hiện nay là thích ứng, linh hoạt, việc ứng phó với dịch bệnh nên có nhiều biện pháp hơn so với trước đây vì đã có vaccine và vai trò của thuốc điều trị". Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh quy định cần dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và có hướng dẫn phù hợp.
"Sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về bộ tiêu chí mới, thành phố sẽ vận dụng phù hợp với tình hình thực tế", bà Thủy nói thêm.
Ba ngày trước (25/11), Đà Nẵng ban hành quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong đó phân cấp cho xã, phường đối chiếu với tiêu chí do Chính phủ và Bộ Y tế ban hành để tự đánh giá cấp độ dịch, đưa ra biện pháp phù hợp.
Về tiêu chí năng lực điều trị, thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở tiếp nhận F0 và đảm bảo số giường hồi sức cấp cứu (ICU), sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Ngoài ra, các quận, huyện có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, sẵn sàng cung cấp oxy cho các trạm y tế xã, phường để đáp ứng khi có dịch xảy ra.
Ngoài 3 tiêu chí chung, Đà Nẵng đưa ra tiêu thí thứ tư đánh giá dịch bệnh trên địa bàn là "tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine".
Từ góc độ chuyên gia, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc thay đổi bộ tiêu chí đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh là cần thiết và phù hợp trong tình hình hiện nay.
"Việt Nam đang tăng tốc bao phủ vaccine cho tất cả dân số. Khi đã phủ được vaccine diện rộng, số ca nhiễm có thể tăng cao, nhưng không đáng lo ngại. Nhóm dân số cần được quan tâm về mặt y tế để cứu chữa kịp thời là người già, người có bệnh nền... bởi dễ chuyển nặng và tử vong", ông Nga nêu quan điểm.
Theo ông, hiện nay nhiều nước trên thế giới không còn chú trọng đến số ca nhiễm nữa mà chỉ tập trung vào số ca bệnh nặng, phải nhập viện và số ca tử vong. Việt Nam nếu vẫn đánh giá dịch bệnh theo tiêu chí cũ thì chưa thể hạ cấp độ dịch bệnh ở các địa phương, đồng nghĩa chưa thể mở cửa thông thoáng hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh.
Quy định về thích ứng an toàn Covid-19 do Chính phủ ban hành ngày 11/10, phân loại bốn cấp độ nguy cơ gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Các địa phương căn cứ theo hướng dẫn, tiêu chí của Bộ Y tế để đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh và áp dụng biện pháp tương ứng.
Viết Tuân - Giang Chinh - Nguyễn Đông