Trong hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 về "thích ứng an toàn", Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với những người đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa, các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ từ địa bàn có dịch cấp độ 3.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hoặc sẽ test nhanh trước khi vào địa bàn. Quy định có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh còn hiệu lực trong 48 giờ hoặc PCR trong 72 giờ được Bắc Giang duy trì từ cuối tháng 10.
Ban đầu, quy định chỉ áp dụng với người từ nơi có ca nhiễm cộng đồng, về địa phương dự sự kiện, hội họp đông người, sau mở rộng ra với tất cả người vào Bắc Giang. Nếu không có giấy xét nghiệm trước, người dân sẽ được test nhanh ngay tại chốt, chi phí tự trả.
Vĩnh Phúc cũng yêu cầu người về tỉnh này phải có xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh, khai báo y tế và báo với địa phương trước khi về. Chính quyền kêu gọi các gia đình vận động con em đang học tập, làm việc ngoài địa bàn hạn chế về tỉnh; đề nghị người dân hạn chế di chuyển dịp Tết.
Ninh Bình hôm 16/12 yêu cầu người dân từ Hà Nội khi tới địa phương này sẽ phải cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Sau khi bị Bộ Y tế "tuýt còi", tỉnh đã thu hồi quy định này. Hiện Ninh Bình yêu cầu người từ Hà Nội và một số tỉnh có nguy cơ cao, khi về địa bàn phải khai báo y tế và lấy mẫu test nhanh kháng nguyên hoặc PCR phù hợp các vùng dịch tễ. Ngành y tế không xét nghiệm với những người đã có kết quả âm tính trong vòng 48 tiếng, người có hộ khẩu Ninh Bình đi và về trong ngày.
Từ tháng 10, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác, không phải cách ly tập trung mà được cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Việc xét nghiệm, cách ly chủ yếu áp dụng đối với người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều; người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn...
Trong trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn thì có thể tổ chức cách ly tập trung. Tuy nhiên, việc cách ly tập trung phải được người dân đồng ý.
Thời gian gần đây, một số tỉnh vẫn siết chặt phòng dịch theo hướng yêu cầu cách ly tập trung với người về từ vùng dịch cấp 3, 4, tương ứng màu cam, đỏ.
Cụ thể, Quảng Ninh không yêu cầu giấy xét nghiệm với người vào địa bàn, song cách ly tập trung với người đến từ vùng dịch cấp độ 3, 4. Người đã tiêm đủ hai liều vaccine cách ly tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ nhất và thứ bảy, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Người chưa tiêm đủ hoặc đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng chưa qua 14 ngày sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ nhất, thứ bảy và thứ 14.
Hiện các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ vào Quảng Ninh vẫn hoạt động. Từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay, Quảng Ninh ghi nhận 2.649 ca Covid-19. Những ngày gần đây, mỗi ngày tỉnh ghi nhận hơn 100 F0.
Lào Cai, Cao Bằng quy định cách ly tập trung đối với người đến từ vùng đỏ; cách ly tại nhà người từ vùng cam.
Trong đó, người từ vùng đỏ thuộc diện F0 khỏi bệnh hoặc đã tiêm đủ liều, khi đến Lào Cai sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần; người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều phải cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần.
Với người ở vùng cam, ngành y tế Lào Cai yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày người đã khỏi bệnh hoặc tiêm đủ liều, lấy mẫu xét nghiệm hai lần; người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi phải cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm hai lần.
Ngành y tế lưu ý các biện pháp cách ly này mang tính định hướng, sau khi điều tra yếu tố dịch tễ có thể thay đổi hình thức cách ly phù hợp. Tính tới hết 28/12, Lào Cai còn 151 bệnh nhân đang điều trị, cấp độ dịch của tỉnh màu xanh.
Tại Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nói tất cả người về từ vùng đỏ đều phải đi cách ly tập trung và không có ngoại lệ. Những người đến từ ba vùng khác khai báo y tế, đi lại bình thường.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các địa phương cần thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế chứ "không thể mỗi nơi một kiểu". Chống dịch thái quá thì có thể bị "tuýt còi" như Ninh Bình. Tỉnh nào nếu làm khác chỉ đạo của Chính phủ thì phải xin ý kiến Thủ tướng.
Việc xét nghiệm chỉ cần thiết với người có nguy cơ như tiếp xúc ca nhiễm, có triệu chứng sốt, ho, khó thở..., còn yêu cầu giấy xét nghiệm khi đi lại gây tốn kém, bất tiện và không cần thiết. Thậm chí, người xét nghiệm nếu chủ quan vào kết quả âm tính có thể đi nhiều nơi, tới chỗ đông người, nguy cơ lây nhiễm còn cao hơn.
Trước hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán kéo dài, theo ông Phu, địa phương phải quyết liệt thực hiện phòng dịch chứ không phải đặt lên hàng đầu vấn đề xét nghiệm hay cách ly. Mỗi tỉnh cần thường xuyên đánh giá nguy cơ từ cấp thấp nhất là phường, xã, đồng thời xem xét kịch bản dịp Tết để quyết định cho phép hay hạn chế những hoạt động gì và luôn phải ưu tiên hoạt động thiết yếu.
"Nguy cơ đến đâu thì đáp ứng đến đó, tránh việc đáp ứng không tới thì không kiểm soát được dịch bệnh, đáp ứng thái quá lại thành ngăn sông cấm chợ, cát cứ, ảnh hưởng đến hoạt động xã hội lẫn an sinh của người dân", ông nói, khuyến cáo người về quê nghỉ Tết, thăm nom gia đình nên hạn chế tiếp xúc người già, tránh nhậu nhẹt, liên hoan, tới chỗ đông người, thực hiện nghiêm 5K.
Nhóm phóng viên