Trong quý II vừa qua, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản trầm lắng ở phân khúc đất nền, thanh khoản nhà ở cũng sụt giảm, nguồn cung lao dốc.
Đến tháng 7, tức bước sang đầu quý III, số ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao, nhiều tỉnh thành phong tỏa để phòng dịch khiến các dự án phải dừng mở bán, tâm lý thị trường rơi vào giai đoạn phòng thủ khá mạnh, sức mua kém. Các chuyên gia dự báo thị trường địa ốc có thể trầm lắng kéo dài và chỉ cải thiện khi dịch bệnh được kiểm soát, chiến dịch vaccine triển khai kịp thời.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc tiếp thị và kinh doanh DKRA Việt Nam cho biết, trước mắt thị trường địa ốc gần như chắc chắn ảm đạm trong quý III. Đến cuối tháng 7, số ca nhiễm vẫn rất cao, nhiều tỉnh thành dự kiến phong tỏa có thể kéo dài đến giữa tháng 8 để phòng dịch bệnh. Thêm vào đó, tháng 8 cũng rơi vào tháng ngâu (tháng 7 Âm lịch) xem như mua bán nhà đất đều hạn chế do tâm lý kiêng kỵ kéo dài đến tận tháng 9. Vì vậy, suốt quý III thị trường sẽ bất động và trầm lắng.
Ông Hiếu đưa ra hai kịch bản lạc quan và thận trọng để dự báo về mức độ trầm lắng của thị trường trong thời gian tới. Kịch bản thứ nhất, thị trường bất động sản kém sôi động suốt quý III. Từ tháng 10, TP HCM sẽ bắt đầu kiểm soát được Covid-19, người dân trở lại sinh hoạt bình thường với các yêu cầu phòng dịch cơ bản và doanh nghiệp bắt đầu tăng tốc bán hàng cho mùa cao điểm cuối năm từ đầu quý IV.
Kịch bản thứ hai, thị trường trầm lắng đến cuối quý IV và phải chờ đến sau kỳ nghỉ Tết 2022 mới bắt đầu tái khởi động lại. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang chọn phương án thận trọng để chờ thời điểm thị trường phục hồi mới nhập cuộc. Một số ít doanh nghiệp vẫn đang chuẩn bị giải pháp sống chung với dịch bệnh bằng cách chuyển hướng bán bất động sản online.
Ông Hiếu đánh giá, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, TP HCM vẫn khan hiếm nguồn cung vì chưa khơi thông được các vướng mắc pháp lý. Đây là cơ hội bán hàng độc quyền cho các chủ đầu tư đã sẵn sàng sản phẩm chào bán sau dịch. Nhiều khả năng các thị trường vùng ven, giáp ranh Sài Gòn như Bình Dương, Long An, Đồng Nai có hàng hóa dồi dào hơn sẽ độc chiếm thị phần bất động sản liền thổ đầy đủ pháp lý.
Trong khi đó, báo cáo ngành bất động sản của Công ty chứng khoán ACBS dự báo, thị trường địa ốc có thể bước vào giai đoạn trầm lắng trong quý III do biến thể Delta lây lan nhanh làm làn sóng Covid thứ tư diễn biến nghiêm trọng và khó lường hơn trước. Đơn vị này kỳ vọng, Chính phủ sẽ ngăn chặn sự lây lan của virus trong quý III và thị trường bất động sản có thể phục hồi trở lại vào quý IV.
ACBS đánh giá, nhu cầu mua nhà tại các đô thị phát triển vẫn khá lớn, rơi vào nhóm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có. Giá bán nhà đất trên thị trường sơ cấp sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhờ nguồn cung hạn chế và hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện. Một điểm cộng hỗ trợ thị trường phục hồi sau đợt dịch lần thứ tư là lãi suất đang thấp và tương đối ổn định sẽ kích cầu đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia địa ốc quan ngại giai đoạn bất động sản trầm lắng sẽ kéo dài, khó có thể lạc quan về kịch bản phục hồi sớm trong quý IV. Tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở đặt tại TP Thủ Đức cho hay, thị trường có thể ngủ đông đến tận quý II/2022 và thời gian "rã đông" sẽ diễn ra một cách chậm chạp. "Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận kịch bản trắng tay trong năm 2021 và thận trọng chọn thời điểm phục hồi đến tận quý III/2022", ông tiết lộ.
Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Ngọc Châu Á đánh giá, quý II thị trường bất động sản chịu tác động nặng nề bởi đợt dịch lần thứ tư và biến chủng mới đến mức thanh khoản đất nền và nhà ở tại TP HCM đều giảm mạnh. Thời gian bất động sản trầm lắng có thể tiếp tục kéo dài trong những quý tới trong bối cảnh dịch lan nhanh ra nhiều tỉnh thành, số ca nhiễm vẫn tăng cao đến cuối tháng 7.
CEO Ngọc Châu Á phân tích, hiện tất cả thành phần trong xã hội, kể cả người dân và doanh nghiệp đều tập trung phòng chống dịch. Cộng thêm việc phong tỏa và siết chặt quy định hạn chế di chuyển, thị trường đầu tư và kể cả tiêu dùng bất động sản có thể bị tạm quên giai đoạn này. Trên cơ sở đó, còn quá sớm để xác định thời điểm bất động sản phục hồi vì sức khỏe thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào biến số dịch bệnh và chiến dịch tiêm vaccine.
Các nước Âu, Mỹ có tiềm lực tài chính và chủ động được vaccine cũng mất 6-8 tháng để tiêm chủng miễn dịch cộng đồng, đưa các hoạt động của nền kinh tế trở lại bình thường. "Vì vậy, thời gian phục hồi thị trường bất động sản tại Việt Nam không thể lạc quan sau dăm ba tháng hay một vài quý. Nếu lạc quan nhất, cơ hội phục hồi của thị trường địa ốc phải từ cuối quý I/2022 trở đi", ông Hạnh nói.
Trung Tín